Bà cụ lưng đã còng gập xuống tới tận đầu gối, tinh thần lúc tỉnh lúc “không bình thường”. Nhưng ngày nào cũng vậy, bà vẫn kéo chổi dọc đường ở Ba Tháng Hai, từ Q.11 sang Q.10 (TP.HCM) để làm sạch phố phường. Bà tên Đặng Thị Mai, năm nay đã 72 tuổi.
Hằng ngày khi qua vòng xoay Dân Chủ (Q.10), người đi đường đã quá quen thuộc với hình ảnh một cụ bà thân hình nhỏ thó, gầy guộc, lưng còng gập xuống tận đầu gối đang quét dọn rác, khi thì kéo hai bao rác đầy băng qua đường. Khi được hỏi vì sao làm ở đây, bà trả lời gọn lỏn: “Quét cho sạch đường”.
Gặp bà Mai trong một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt, mặt đường bốc hơi nóng lên hừng hực nhưng bà vẫn cặm cụi kéo bao rác tìm đến từng đống rác người ta vừa vứt ra lộn xộn trên mặt đường. Rồi lặng lẽ, bà lôi chổi, hốt rác cho tất cả vào bao, sau đó quét sạch mặc mùi đang bốc nồng nặc, mồ hôi nhễ nhại trên mặt mình.
Tới hơn 12g, bà cụ mới chịu nghỉ tay vào một quán cơm gần đó, vừa ăn xong bà lại vội vã tiếp tục công việc buổi chiều của mình. Anh Dương Nhân Tuấn, chủ quán cơm, cho biết bà làm ở đây lâu rồi, ngày nào còn thấy bà làm là biết bà còn sống. Ít người biết tên tuổi, cũng chẳng ai thuê mướn hay trả công nhưng việc bà quét rác ở khu vực này chẳng còn xa lạ.
Khi trời bắt đầu tối, đường phố lên đèn là lúc bà cụ trở về nhà – một căn nhà cũ nát nép trong hẻm nhỏ trên đường Ba Tháng Hai trống huơ. Bà có sáu người con, nhưng năm người đã theo chồng, đi làm ăn thường xuyên vắng nhà. Bà Nguyễn Thị Tính, một người lớn tuổi ở khu phố này, cho biết bà Mai quê gốc ở Bình Định. Trước kia, như bao người khác bà cũng có cuộc sống bình thường, buôn bán ở quanh khu phố.
Nhưng cách đây khoảng 40 năm, trong khi đang ngủ bà nằm mơ thấy ác mộng. Người nhà thấy bà cứ ú ớ mãi nên vỗ lưng thức dậy. Sau một tiếng hú kinh hoàng bà trở thành người lẩn thẩn, lúc tỉnh lúc mê. Nhiều lần đi điều trị ở bệnh viện tâm thần, bà lại quay về với khu phố. Và công việc quét rác của bà cũng bắt đầu từ đó. “Nhiều lúc thấy mẹ già yếu ra đường làm nguy hiểm nên tụi tui cản hoài, có khi thu đồ nghề nhưng thấy mẹ không đi làm là buồn rầu lăn ra ốm, sợ quá nên phải để mẹ làm, cũng có thể đó là cuộc sống của mẹ” – anh Khải, con út bà Mai, tâm sự.
Dù có người cảm kích, có người phản đối, có người thắc mắc nhưng với bà Mai, đó là một công việc. Bà móm mém, nói thật ngắn rằng công việc này đã gắn liền với cuộc sống của bà và bà yêu thích công việc này vì “có ích cho đời”!
NGUYỄN LOAN – NGỌC DIỆP