TT – Đôi chân già nua run run xỏ vào đôi dép nhựa đã mòn vẹt, bà cụ Thía bưng bát cháo đến bên chiếc giường xiêu vẹo cất tiếng gọi khàn đục: “Nước sâm Liên Xô, ngọt như đường, chú uống vô sống đến trăm tuổi chứ chơi”.
Ông cụ co ro trong cái rét đầu mùa vẫn nằm không nhúc nhích gì. Đã 20 năm nay, bà Trần Thị Thía (82 tuổi) luôn tìm cách “dỗ ngọt” người em chồng già yếu bệnh tật của mình, ông Nguyễn Huy Trân (79 tuổi), ăn cháo bằng cách đó.
Ở thôn 2 (Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) này, nhiều người vẫn tự hỏi không hiểu tại sao chị dâu lại có thể tảo tần, chịu khó nuôi em chồng bao nhiêu năm như vậy. Bà cụ Thía phẩy bàn tay nhăn nheo: “Cần chi máu mủ ruột rà, em chồng cũng là em mình mà”.
Căn nhà nhỏ của bà cụ Thía chỉ đủ kê hai chiếc giường. Giường chị manh chiếu cũ đã rách bươm. Bên kia bức vách, giường em sang hơn chút có thêm tấm đệm đã cũ. Bốn bên được chị lượm những bao ximăng giặt sạch rồi quây thật kín để tránh những cơn gió lạnh lùa vào. Mấy chục năm một mình nuôi em chồng bệnh tật, cụ Thía vẫn luôn dành thứ tốt hơn cho em.
Năm 17 tuổi, bà Thía về làm vợ ông Nguyễn Huy Sâm. Hai vợ chồng cất ngôi nhà tranh ở riêng rồi đón cậu em Nguyễn Huy Trân bị bệnh động kinh về nuôi vì bố mẹ chồng đã già yếu. Lần lượt bảy đứa con ra đời. Vợ chồng bà làm đủ nghề nuôi con và nuôi em. Rau cháo bữa đói bữa no. Các con ông bà dần cũng lớn khôn và lập gia đình, duy chỉ có người em cứ mãi ngơ ngẩn như đứa trẻ. Con đứa nào cũng nghèo nên hai vợ chồng bà khi già yếu vẫn ngày ngày lên núi kiếm củi về bán lấy tiền đong gạo nuôi em.
Cách đây 20 năm, ông mất khi vừa bước qua tuổi 60. Trước khi ra đi, ông cầm tay bà dặn: “Cố nuôi em giúp tui”. Ông nhắm mắt xuôi tay thì người em trở bệnh nặng hơn. Đôi mắt trở nên mờ đục rồi mù hẳn. Chân tay cứng đờ chẳng đi nổi và nằm luôn một chỗ. Ngày lo đám tang cho chồng xong, trong nhà còn đúng một thúng lúa, lại đang giáp hạt. Sợ đói, bà đem xay nấu cháo dè sẻn mỗi ngày một nắm cho em ăn, còn mình chỉ dám ăn khoai ăn sắn.
Em ốm đau luôn nhưng không có tiền mua thuốc nên bà Thía biết khá nhiều bài thuốc nam hay. Người ở thôn này vẫn hay thấy bà Thía cần mẫn kiếm những cây thuốc ở bụi ở bờ phơi khô cất trong nhà phòng khi em đau ốm. Hai mươi năm nay, ông Trân cứ nằm một chỗ không hề biết gì xung quanh mình. Chẳng ai có thể cho ông ăn cháo, uống thuốc được ngoài bà Thía…
Trong căn nhà nhỏ, hai bộ áo quan sơn màu đỏ được kê trong góc. Đó là hai bộ áo quan bà Thía dành dụm đóng cho mình và em chồng cách đây mấy năm. “Phòng khi tui nằm xuống trước thì áo quan của chú Trân cũng đã có rồi. Chết đi mà không có bộ áo quan tử tế thì tội nghiệp chú lắm” – người chị dâu tảo tần ấy giải thích.
NGỌC NGA