THỰC TẬP HẰNG NGÀY

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một người bạn của tôi, Kamala Masters, học thiền với vị thầy đầu tiên là ngài Munindra. Khi Munindra đến Hawaii dạy, chị đã mời ông đến cư ngụ ở nhà chị. Trong thời gian đó, chị một mình nuôi ba đứa con nhỏ nên phải làm cùng lúc hai công việc để kiếm sống.

Khi mới đến, Munindra đã mạnh mẽ khuyên chị Kamala nên dành riêng ra một khoảng thời giờ mỗi ngày để ngồi thiền. Hình như đó bao giờ cũng là một câu thần chú ngàn đời của các thiền sư: “Ngồi thiền mỗi ngày. Ngồi thiền mỗi ngày. Ngồi thiền mỗi ngày.” Kamala nhiều lần chỉ cho ngài Munindra thấy là không có cách nào trên đời này giúp chị có thể có thì giờ để ngồi mỗi ngày được. Sau cùng, có lẽ cũng nhận thấy được nỗi khó khăn của chị, ông hỏi trong ngày chị bận rộn làm việc gì nhiều nhất. Chị nghĩ ngợi một hồi rồi đáp: “Rửa chén.” Munindra đi đến bồn rửa chén với chị, và hai người cùng thực tập rửa chén trong chánh niệm. Và đó cũng là phương pháp thực tập thiền quán mỗi ngày cho chị.

Và ngài Munindra cũng để ý thấy ở một hành lang ngắn và tối, nối liền giữa phòng ngủ của Kamala và phần còn lại của căn nhà, nơi mấy đứa con thường để cho chị yên. Ông khuyên chị nên sử dụng hành lang ấy như là thiền đường để thực tập đi kinh hành. Mỗi khi vào hành lang ấy, chị thực tập đi những bước chân hoàn toàn trong chánh niệm. Kamala kể, vì chị cảm thấy mình rất tỉnh thức mỗi khi bước vào nơi ấy, chị đã xem dãy hành lang ngắn đó như một thánh địa vậy.

Một khía cạnh rất nhiệm mầu của giáo pháp đức Phật là nó không bao giờ xa rời với sự sống của con người. Vì ngài cũng là một người như ta, đức Phật đã dạy cho ta biết thế nào là một con người thật sự, một con người hạnh phúc. Tâm từ bi bao la của đức Phật đã được phản ảnh qua tính chất cụ thể của giáo pháp ngài. Ngài đã dâng tặng cho chúng ta một con đường đi thẳng, thực tiễn và có thể ứng dụng cho mọi khía cạnh của sự sống, không trừu tượng, và cũng không xa lìa với đời sống của một người bình thường.

Những nguyên lý căn bản của giáo lý đức Phật không phải để tôn vinh truyền thống, mà là để chỉ cho ta thấy được khả năng giải thoát và giác ngộ của chính mình. Chúng là hiện thân của một tâm linh sinh động, có thể được nâng đỡ bởi truyền thống nhưng sẽ không bao giờ bị nó thay thế. Cắm rễ nơi sự đơn giản và sự liên kết, con đường ấy vượt thoát ra khỏi ý niệm giới hạn của chính mình, hòa nhập vào cái mênh mông của sự sống, và nếm được mùi vị giải thoát. Đức Phật dạy, giáo lý của ngài chỉ duy có một vị mà thôi: đó là vị giải thoát.

Con đường của chúng ta, một hành trình tâm linh, đòi hỏi sự tinh tấn nghiêm túc, thành thật và liên tục. Nhưng việc ấy không có nghĩa là ta phải bị căng thẳng, bận rộn, hoặc gian khổ. Thật ra, nó chỉ có một nghĩa duy nhất là tự biết được mình. Hành trình tu tập ấy đặt nền tảng trên việc ta cảm thấy tự nhiên và thoải mái với chính mình, với tiến trình của mình, và với hoàn cảnh đặc biệt của mình. Nhờ vậy, mặc dù tinh tấn và nghiêm túc, ta vẫn giữ được một thái độ biết ơn và thoải mái trong sự thực tập. Chúng ta vẫn có thể cảm thấy tự nhiên, thư thái mặc dù ta đang tu tập hết lòng. Chúng ta vẫn có thể cố gắng hết sức mình và vẫn sống an lạc. Sự thoải mái, tự nhiên ấy phát xuất từ một thái độ tinh tấn không giả tạo, biết sử dụng mỗi giây phút của cuộc sống mình để nhìn thấy rõ hơn. Cũng như chị Kamala rửa chén trong chánh niệm hoặc đặt những bước chân tỉnh thức trên dãy hành lang nhỏ, sự tu tập của ta cũng có thể được biểu hiện bằng mỗi giây phút trong cuộc sống hằng ngày của mình.

NGUYỄN MINH TIẾN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*