NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ CHÁNH ĐỊNH?

Niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh tuệ. Nếu được như vậy, ngay khi định gọi là thể của tuệ, ngay khi có tuệ tức là dụng của định. Ngay lúc có định không khác tuệ, ngay khi có tuệ không khác định. Ngay lúc định tức là tuệ, ngay khi tuệ tức là định. Ngay lúc định không có định, ngay lúc tuệ không có tuệ. Vì cớ sao? Vì tánh tự như, đó gọi là định tuệ đồng học.

 

 

GIẢNG:

Đây là câu hỏi trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ đã có giảng.

Niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh tuệ.

Định nghĩa này rất rõ ràng.

Hỏi thế nào là định tuệ đồng thời, Ngài nói “niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định”. Như vậy định là khi tâm rỗng suốt không có dấy niệm. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh tuệ. Khi ta nhìn thấy tâm rỗng suốt, không có niệm khởi, thì cái thấy được rỗng suốt đó là tuệ. Tâm không niệm khởi là chánh định, thấy được chỗ rỗng suốt không niệm khởi là chánh tuệ. Đây gọi là định tuệ đồng thời. Ý này hết sức rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ.

Nếu được như vậy, ngay khi định gọi là thể của tuệ, ngay khi có tuệ tức là dụng của định.

Như vậy khi không dấy niệm gọi là định, định đó cũng là thể của tuệ. Khi có cái thấy, rõ ràng không niệm khởi gọi là tuệ, tuệ này là dụng của định. Nên biết định là thể của tuệ, tuệ là dụng của định, hai cái không tách rời nhau. Do đó gọi là định tuệ đồng thời.

Theo Phật giáo Nguyên thủy khi tâm hoàn toàn yên lặng, gọi là định. Từ định đó lần lần phát sáng gọi là tuệ. Cho nên định tuệ riêng biệt. Còn ở đây chính khi định là tuệ, chính khi tuệ là định không tách rời nhau.

Ngay lúc có định không khác tuệ, ngay khi có tuệ không khác định.

Khi tâm rỗng lặng sáng suốt đó là định không khác với tuệ. Thấy được tất cả mà vẫn không dấy động đó là tuệ không khác định. Định tuệ không tách rời nhau là chủ trương của Lục tổ Huệ Năng, ở đây ngài Thần Hội lặp lại và làm sáng tỏ hơn ý của Tổ, để chúng ta không còn gì nghi ngờ nữa.

Ngay lúc định tức là tuệ, ngay khi tuệ tức là định.

Định là tuệ, tuệ là định bởi vì khi yên lặng là định, mà ta vẫn biết yên lặng đó là tuệ. Như vậy việc này chúng ta cũng đã từng tu tập rồi, còn muốn cái gì thần thánh hơn nữa? Ngay nơi định tuệ thật đó mà không chịu nhận, lỗi ấy do ai?

Ngay lúc định không có định, ngay lúc tuệ không có tuệ. Vì cớ sao? Vì tánh tự như, đó gọi là định tuệ đồng học.

Câu này hơi khó hiểu. Ngay lúc định không có định, ngay lúc tuệ không có tuệ, tại sao? Ngay lúc định mà khởi niệm mình đang định thì hết định, nên định mà không có định. Định thì tự lặng tự yên thôi, không nói “định, không định” gì cả. Khi thấy mà không dấy niệm là tuệ, tuệ mà không có tuệ vì chỉ thấy thể trong lặng, yên tĩnh. Nên nói vì tự tánh như, tánh tự như như, không có dấy động. Vừa dấy động thì mất tánh như rồi, vì vậy nói định tuệ đồng học hay đồng thời.

Câu này hết sức quan trọng, chúng ta phải nắm cho thật vững, khi tu mới không sai lạc, chớ tìm cầu những điều khác lạ, chỉ tâm yên tịnh là đủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*