SỰ HY SINH VÀ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH…

Ngày nay, có lẽ nhiều người đã ý thức được rằng sự thụ thai và quá trình hình thành một đứa trẻ đòi hỏi một khung cảnh đạo đức và một thái độ tinh thần đặc biệt.

Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng ngay từ lúc đứa trẻ còn nằm trong bào thai, nó đã chịu tác động của mọi trạng thái biến đổi diễn ra trong tình cảm và tâm hồn của người mẹ.

Nếu tâm thức của người mẹ luôn an bình trong suốt thời gian mang thai thì thai nhi sẽ phát triển bình thường và lành mạnh; sau này, khi ra đời, đứa trẻ cũng thừa hưởng những trạng thái tâm lý lạc quan.

Trái lại, nếu tâm thần của người mẹ không ổn định, dễ cáu gắt, giận dữ hoặc chứa đựng những phiền muộn, lo âu, thất vọng; thai nhi trong bụng cũng bị ảnh hưởng khiến sự phát triển không bình thường; khi ra đời, đứa trẻ cũng dễ có những tâm trạng bi quan, chán nản.

Khi còn trong bụng mẹ, hài nhi đã phải gánh chịu ảnh hưởng từ những buồn vui của người mẹ, huống chi một đứa bé đã lớn khôn, đã biết suy nghĩ để nhận ra những nỗi khổ tâm, những thất vọng trong lòng mẹ và cảm thấy bất lực không giúp gì được cho mẹ.

Sự khổ tâm của người mẹ tất nhiên cũng gieo vào lòng đứa con của mình những đau buồn thật kín đáo và sâu đậm, ảnh hưởng đến cuộc đời của nó trong tương lai. Nếu người mẹ không thổ lộ những nỗi đau buồn của mình và không có người thân nào chung quanh hiểu được những nguyên nhân làm cho mình buồn khổ, thì đứa bé nào đủ sức để bày tỏ sự lo âu và thất vọng trong lòng nó. Những đau buồn của cha mẹ sẽ đè nặng trong lòng con cái suốt cuộc đời của chúng sau này.

Thế nhưng sự giận hờn hay vui sướng trong tâm hồn ta, dù phát sinh từ bất cứ một nguyên nhân nào, cũng đều phù du, hôm nay nó đang đày đọa ta hay làm cho ta hân hoan, ngày mai biết đâu lại sẽ không còn nữa.

Những xúc cảm ấy kéo dài lâu hay mau đều do ta có cố tình duy trì chúng hay không, thế nhưng chắc chắn là ta không đủ sức để nuôi dưỡng chúng suốt cuộc đời mình. Làm sao ta có thể sống với oán hờn đè nặng trong lòng cho đến ngày nhắm mắt, và ngược lại ta cũng không thể liên tục hân hoan cho đến phút lâm chung. Những gì phù du thì cứ mặc cho chúng trôi đi để lòng ta được nhẹ nhõm. Vì thế nếu có chuyện gì buồn chớm nở trong lòng thì nên dập tắt nó ngay đi.

Thật vậy trong thế giới vô thường này có gì tồn tại mãi đâu, sắc đẹp kém đi, kiên nhẫn cũng hao mòn. Thế nhưng dù cho cuộc sống đầy lo lắng, xô bồ và khó khăn có che lấp tình yêu lúc ban đầu thì vẫn còn lại cho chúng ta hôm nay một chút tình nghĩa vợ chồng. Vậy đừng ném nó đi mà hãy giữ thật chặt trong tay như một gia tài vô giá để nhìn vào đấy mà hy sinh cho nhau nhiều hơn nữa.

Một cách cụ thể, nếu cuộc sống đối với chúng ta có trở nên quá mệt mỏi thì hãy cố tìm cách gửi con cái và đưa nhau đi xa vài ngày để nghỉ ngơi và nhất là để tìm lại tình yêu của thuở ban đầu. Cái tình yêu đó có thật, nó chỉ tạm thời bị che lấp mà thôi.

Nếu có những thứ hạnh phúc bồng bột và thoáng qua thì cũng có những thứ hạnh phúc lâu bền hơn. Hạnh phúc thoáng qua thường hay theo sau bởi sự bất thỏa mãn mang lại oán hận và đau buồn, chẳng hạn như thứ hạnh phúc chi phối bởi bản năng dục tính hay thể dạng tâm thần chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và đỏi hỏi quá nhiều nơi người khác.

Vậy hạnh phúc lâu bền là gì? Đấy là hạnh phúc được nhìn con cái lớn lên trong bối cảnh đầm ấm của gia đình, một thứ hạnh phúc đòi hỏi chúng ta biết hy sinh đôi chút, hy sinh cho vợ, hy sinh cho chồng, hy sinh cho con cái. Nếu đủ sức mở rộng thêm lòng mình thì ta có thể hy sinh cho cha, mẹ, cho láng giềng, cho tất cả chúng sinh… Nếu trước đây ta đã từng hy sinh thì cũng nên tiếp tục hy sinh, nào có mất mát gì thêm?

Tìm được một dịp may để hy sinh cho người khác một cách thiết thực quả hiếm hoi. Sự hy sinh đó thật cao cả và sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, đấy là một thứ hạnh phúc lâu bền và sâu xa.

Nếu ta đã từng hy sinh rất nhiều khi mang nặng đẻ đau thì ta cũng nên tiếp tục hy sinh thêm một tí nữa để bảo toàn sứ mạng của mình, làm tròn bổn phận của mình đối với con cái trong kiếp sống phù du này. Thật vậy, tất cả chúng ta đều hiểu rằng cuộc đời thật ngắn ngủi.

Không lẽ một người cha lại không nhìn thấy sự hy sinh cao cả đó của một người mẹ để làm hiển lộ sự hãnh diện trong lòng mình hay sao? Sự hy sinh đó rất kín đáo và thanh cao, vượt lên trên những lỗi lầm nhỏ nhặt phát sinh từ sự khổ nhọc và những mối lo buồn của một người phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu người phụ nữ ấy đã từng hy sinh cho những đứa con của mình và đã có lúc cùng với mình chia ngọt sẻ bùi, đã từng mang lại cho mình những giây phút êm ái, thì cũng nên mở rộng vòng tay cho người phụ nữ ấy tìm thấy một kẽ hở để ngả vào lòng mình.

HOÀNG PHONG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*