BÀI 3: GIẢI THOÁT CHO CON…
Phần cuối…
Dù được chứng kiến tận mắt một bé Marilyn đang phục hồi ngoạn mục; dù đã tìm thấy những câu trả lời rất hợp lý cho tất cả thắc mắc về bệnh trạng của Cún, dù trí tưởng tượng thời thơ ấu cũng phong phú lắm, nhưng tôi vẫn không thể hình dung ra một đứa bé bị người đời gán cho cái nhãn “loạn tâm” sẽ trở lại cuộc sống như thế nào.
Bế con chầu chực khắp nơi và lần nào tôi cũng ra về tay trắng. Mỗi lần như thế, niềm hi vọng của tôi cứ tàn lụi dần; tôi cũng đang nhiễm tâm bệnh khá nặng: khủng hoảng tâm lý và mất niềm tin vào việc chữa trị cho con mình. Chúng tôi đã tìm đến bác sĩ G.Doman trong tư thế của người cố không để mất hết những gì còn sót lại. Và, quan trọng hơn thế là ước mong tìm lại phần hồn của đứa con bé bỏng mà dường như đã bị thất lạc từ lâu.
Sau nhiều lần bàn bạc giữa vợ chồng với nhau, tôi chính là người phải đi học cách trị liệu cho Cún. Chồng tôi ở nhà chăm sóc các con và lo kiếm tiền.
Tôi bước vào giảng đường của bác sĩ G.Doman với những vết bầm còn hằn trên cổ, cánh tay, cùng một gương mặt hốc hác. Một nữ giảng viên nhìn thấy tôi như thế đã hỏi bằng giọng thương cảm:
– Bà ở Việt Nam sang à? Bà bị chồng đánh sao?
– Không, đây là những vết do đứa con bị bại não của tôi để lại.
– Cháu bao nhiêu tuổi mà ghê thế?
– Cháu được 27 tháng.
Khóa học cơ bản về những điều cần làm cho trẻ bại não diễn ra vào giữa mùa đông đầy tuyết phủ, tháng 12/ 1999. Và tôi phải trải qua 14 lần đi học xa như thế để có những bài học nhằm cứu lấy đứa con. Chúng tôi cùng con bước vào chương trình trị liệu dai dẳng, không thể nói trước bao lâu thì đạt được kết quả.
Một trong những bài học đầu tiên là dạy cho bé đọc. Đây là bài học gây sốc cho tôi. Một đứa bé không biết mẹ cha, không chịu ăn ngủ, chạy hùng hục không ngừng, không có cả khái niệm nguy hiểm, mà để chữa trị thì lại dạy cho bé đọc. Nếu không tự mình ôm trên tay đứa con bị tự kỷ nặng suốt 27 tháng và cùng con sống lê lết mỏi mòn thì chắc tôi đã có thể cười khẩy và bước ngay ra khỏi giảng đường (và cũng có thể lầm bầm: chuyện nhảm nhí).
Sau hơn 2 tuần, có vẻ như không thèm biết đến những gì ba đã làm cho mình, thì một hôm, khi đang chạy lồng lên như thường lệ, nhưng vừa nghe tiếng xoẹt của tấm thẻ đọc được rút ra, Cún bèn đứng phắt lại và quay sang nhìn vào chiếc thẻ, chăm chú lắng nghe. Ba vừa đọc xong, Cún lại chạy đi như tên bắn. Cú sốc tiếp theo là việc dạy Cún vâng lời. Ba để hai cái ghế nhỏ đối diện nhau, chuẩn bị sẵn một ít chuối cắt và bánh bẻ nhỏ là món Cún mới biết ăn. Lúc này Cún hay đi tới đi lui thành vòng tròn trong phòng, không la hét nhiều nhưng vẫn thường xuyên dùng 2 tay đấm lên đầu.
Ba Cún chỉ vào ghế và gọi: “Cún, tới đây, ngồi xuống”. Tất nhiên là bé không hề phản ứng. Ba ôm gọn Cún vào lòng, ấn Cún ngồi xuống ghế. Cún la hét, chuồi xuống đất lăn lóc, cắn ba, tự cào cấu, đập đầu xuống đất… Cứ mỗi lần như thế ba lại xốc bé lên ấn xuống ghế, khi bé phản ứng yếu đi vì mệt thì tiếp sức cho bé 1 miếng chuối hoặc bánh và khen “giỏi, con ngồi giỏi lắm”. Mỗi lần tập như vậy khoảng 45 phút, 3 lần mỗi ngày. Sau mỗi lần như vậy, ba Cún trông như mới ốm dậy: mướt mồ hôi và hốc hác. Một tuần lễ sau, khi nghe ba gọi: “Cún, tới đây, ngồi xuống” là Cún chạy tới và ngồi yên trên ghế. Tôi và anh ấy đều rơm rớm nước mắt: chúng tôi hiểu rằng, bé có thể học được một việc có nghĩa là bé sẽ có thể học được những việc khác.
Ba tháng sau, Cún hết ăn vạ, đã chịu lắng nghe. Căn bệnh mất niềm tin của tôi và bố Cún bắt đầu hạ sốt. Bảy tháng sau, Cún ngủ tốt, không thức giấc về khuya nữa, bắt đầu sử dụng được đôi tay vào những chuyện như cầm ly, cầm bánh, biết ăn thêm hai món là bánh quy và chuối, không còn đập đầu vào bất cứ chỗ nào nữa. Và rồi, Cún bật ra những tiếng nói đầu tiên. Không thể diễn tả được tâm trạng của tôi lúc ấy. Từ đây, cuộc chiến giúp Cún đẩy lùi bệnh tật mới chính thức được bắt đầu và được tập trung toàn tâm toàn ý. Chúng tôi hiểu ra rằng: không thể chữa bệnh cho con nếu như chính cha mẹ cũng đang bị tâm bệnh nặng.
Trong thời gian này, chồng tôi liên hệ với hội phụ huynh trẻ tự kỷ ở Mỹ và chúng tôi tham gia thêm các khóa học của bác sĩ Vincent J.Carbone – chuyên gia giáo dục trẻ chậm phát triển. Ông là bác sĩ tâm lý trị liệu nhưng đã dành 1 thời gian khá dài lăn lộn trong những trại nuôi dưỡng trẻ em chậm phát triển để nghiên cứu phương pháp giáo dục sao cho phù hợp với đối tượng bệnh nhi này. Tôi học bác sĩ Carbone phần tâm lý giáo dục, phương pháp dạy lại kỹ năng cơ bản cho bé và được huấn luyện phần kỹ thuật chỉnh các rối loạn về hành vi ứng xử cho trẻ tự kỷ.
Một năm rưỡi sau, Cún đã biết đọc và làm bốn phép toán đơn giản. Rồi Cún biết bơi biết lặn. Cô giúp việc còn cho rằng đến 18 tuổi Cún sẽ thành Yết Kiêu, vì còn bé thế mà đã bơi và lặn giỏi quá.
Hai năm sau, Cún bắt đầu biết viết câu ngắn, biết đọc bản nhạc và chơi organ những bài ngắn của thiếu nhi. Tiếp nữa, Cún biết đi xe đạp 2 bánh, không những thế, cu cậu còn biết vác xe qua chướng ngại vật.
Cún 2007, vừa qua tuổi lên 9 đã thành “quái xế”: có thể chở ba đi vòng vòng trong các con đường nhỏ bằng xe máy tay ga; biết đánh bóng bàn tay đôi với cô giáo, thích chơi nhảy dây; tự phục vụ khoảng 90% nhu cầu cá nhân; ăn rất tốt, thích thử món mới và thích ăn nhà hàng hơn cơm nhà. Hơn 6 năm rồi mà mỗi khi thấy con cầm thức ăn tự đưa vào miệng, tôi vẫn còn nguyên cảm giác như được cưỡi mây lên cõi tiên. Từ tình trạng câm hoàn toàn, nay Cún đã biết nói, tuy nghe chưa rõ lắm nhưng đã có thể bày tỏ được những nhu cầu cá nhân và những ý nghĩ đơn giản. Cún sử dụng vi tính thành thạo, đọc báo rất tốt, làm được toán lớp 5. Quan trọng hơn cả, Cún giờ đây là một thành viên rất được việc và không thể thiếu của mọi người trong nhà, là niềm tự hào của gia đình – nhất là anh chị bé.
Chẳng có bệnh nào mà khi phục hồi, người bệnh có thể trở thành như … chưa bao giờ bệnh, huống chi đây lại là những tổn thương nằm sâu trong não bộ. Khi bắt tay vào trị liệu cho Cún, giấc mơ của riêng tôi chỉ khiêm tốn là bé ăn được, ngủ được, tự tiêu tiểu đúng chỗ, không đập đầu nữa, hết tăng động, rồi thôi.
Vậy mà, chỉ sau một thời gian không dài, Cún cùng các bạn và cả các gia đình đang từng bước có được cuộc sống ngày một dễ chịu hơn, cuộc sống mà ta hay dùng hai chữ “bình thường” để diễn tả, hai chữ tuy thật đơn giản nhưng những phụ huynh trong hoàn cảnh như tôi – trước khi bước vào chương trình trị liệu – tưởng chừng như không bao giờ còn được nghe lại nữa. HẾT.
Lê Thị Phương Nga