HỌC CÁCH SỐNG VÀ LÀM VIỆC TRONG CHÁNH NIỆM…

“Chánh niệm là khi nói biết mình đang nói gì, khi nghĩ biết mình đang nghĩ gì, và khi làm biết mình đang làm gì”.

Tôi chưa bao giờ thực sự nghiêm túc với những việc mình đã làm, nhưng rồi may mắn cứ ùa đến, mọi việc vẫn cứ suôn sẻ, trơn tru, so với đồng nghiệp và bạn bè cùng trang lứa của mình, tôi luôn nổi trội hơn hẳn. Thoạt đầu tôi cứ tưởng mình làm thế là đã tốt rồi, đã giỏi hơn người khác rồi nên cái tính ỷ lại, tự cao, lười biếng và cẩu thả ngấm ngầm lớn lên trong tôi từ lúc nào không biết, nó đã trở thành một phần của con người tôi.

Nhìn đống sách vở lung tung nơi đầu giường cuối chiếu, dưới gầm bàn hay xuệch xoạc những trang còn chưa gấp, quần áo cả tuần mới giặt một lần, còn đống đồ vớ vẩn yêu thích của tôi thì mỗi nơi một cái, nhưng lại chẳng bao giờ tôi muốn vứt đi bất cứ một thứ gì. Thật khó chịu sau một ngày bận rộn và mệt mỏi, về đến nhà đối diện với cái ổ của mình tôi cũng lại “chậc” một cái bù trừ “dân làm ý tưởng, thường thôi!”. Và tôi thường dọn dẹp mọi thứ gọn gàng ngăn nắp sau ngày ngủ nướng đã mắt vào cuối tuần, nhìn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ làm tôi thoải mái và nhẹ nhàng hơn hẳn.

Tôi cứ thế cho đến khi gặp anh, một người con trai có tướng nho nhã, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, cử chỉ khoan thai và sạch sẽ, gọn gàng đến mức căn phòng trọ của anh không hề có một sợi tóc, cọng rác, hay mẩu giấy vụn. Tôi chẳng thèm quan tâm đến kiểu đàn ông “cảnh” ấy và chưa bao giờ có ý nghĩ lại đi yêu “một viên pha lê”. Thế mà giờ đây vì anh mà tôi thay đổi.

Anh là một Phật tử thuần thành, nơi căn phòng nhỏ có một góc nhỏ trang nghiêm anh dành thờ tượng Phật, một cái bàn chân gấp, với bộ ấm trà tử sa be bé xinh xinh mà tôi trêu anh là “thằn lằn uống nước cúng”. Với tôi, một ngụm chưa thấm vào đâu, nhưng với anh nhâm nhi cũng đến vài ba phút. Chẳng hiểu thế nào mà duyên số khéo xe chúng tôi lại với nhau.

Với công việc, anh luôn từ tốn, không ồn ào, năng nổ như tôi. Ban đầu tôi chê trách anh “trâu chậm là trâu uống nước đục”, vậy mà những gì anh làm lại luôn sáng suốt, và chỉn chu hơn tôi hẳn. Nhiều lúc tôi không phục anh cho lắm, nhưng cũng phải ngỡ ngàng sao anh hay thế! Khác với những người cùng làm công việc truyền thông, anh lặng lẽ, nhưng luôn hòa đồng và gần gũi, anh khiêm tốn nhưng luôn được ngợi khen, anh tỏ ra bình thản nhưng công việc luôn hoàn thành đúng hẹn. Tôi bắt đầu không thích cách thể hiện thái độ của anh, vì nó đụng chạm đến lòng tự ái của tôi, và chúng tôi nảy sinh cãi vã. Trái với sự nóng nảy, lớn tiếng, vụng về của một đứa con gái như tôi, thì với anh là sự im lặng, nhỏ nhẹ và bình tĩnh, tôi lại càng thêm xấu hổ. Khi hiểu anh hơn, anh chia sẻ với tôi cách sống và làm việc của mình: “Anh luôn sống và làm việc trong chánh niệm”.

– Chánh niệm là gì? Tôi hỏi lại và anh ôn tồn đáp:

– Chánh niệm là khi nói biết mình đang nói gì, khi nghĩ biết mình đang nghĩ gì, và khi làm biết mình đang làm gì.

Tôi nhăn nhó trước câu trả lời kiểu “hiểu chết liền!” của anh. Nhưng nó lại cứ quẩn quanh trong suy nghĩ của tôi đến mỗi hành động tôi làm, và tôi dần nhận ra từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nghiêm túc với những việc mình làm. Có nghĩa là tôi chưa bao giờ biết là mình đang nghĩ gì, nói gì và làm cái gì. Với tôi, đơn giản công việc chỉ là hoàn thành nó và lãnh thù lao, còn những cái râu ria tôi không thèm để ý.

Rồi lời cảnh báo của anh cũng đến, tôi bàng hoàng trước những hậu quả đã xảy ra từ sự hớ hênh và nông nổi của mình. Tôi mất công việc, mất địa vị, uy tín và mất đi nhiều thứ khác… Tính háo thắng của tôi không còn như trước nữa, vì trước mặt tôi là một hố thẳm do “một trận địa chấn” để lại, nếu liều mình nhảy qua, có thể tôi sẽ mất mạng. Lúc này tôi mới bắt đầu thấy mình sống có chút chánh niệm. Ngồi nhìn lại những việc mình đã làm khi thiếu chánh niệm, tôi mới nhận ra những hậu quả kia thật nhỏ đối với những sai sót lớn của mình. Anh đã giúp tôi biết đứng lên và làm lại từ đầu.

Cổ nhân từng dạy rằng: “Điều đáng trân quý nhất của con người là biết đứng lên sau khi vấp ngã”. Quan trọng là mình có đủ can đảm đối diện với những sai sót và tìm cách giải quyết hay không? Anh chia sẻ với tôi về những khốn khó của bản thân, nhìn anh ngày hôm nay tôi thấy được phần nào sức mạnh nội tâm và ý chí kiên cường của anh như thế nào. Tôi đã tạm quên đi mọi thứ, đứng lên và làm lại từ đầu. Anh chỉ cho tôi cách sống, làm theo chánh niệm, bảo tôi hãy nhìn lại chính mình, mạnh dạn nhận diện những sai lầm, khuyết điểm của bản thân để rồi sửa đổi. Anh luôn mở lòng chào đón tôi, dắt tôi đứng lên và đi tiếp cùng anh. Phải chăng đó là những tố chất của một người con Phật trong anh?

Tôi thấy mình thật là may mắn khi được cùng anh dạo bước trên con đường chiều gió mát, cánh cổng chùa đã mở sẵn như đang đón chờ chúng tôi. Tiếng chuông ngân nga trầm bổng làm rung động cả trái tim tôi. Chúng tôi cùng quỳ lạy dưới chân Bồ-tát Quán Thế Âm. Tiếng chuông giúp tôi tỉnh thức, như vừa đánh dấu hay khai mở một điều gì đó rất quan trọng trong cuộc đời tôi. “Cảm ơn anh, nhờ anh mà hôm nay em mới được nghe tiếng chuông ngân trong chánh niệm”, một âm thanh quen thuộc mà trước giờ tôi chưa hề lắng lòng nghe.

Sưu Tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*