GIẢ THIẾT, LÝ GIẢI CÁC HÌNH THÁI BIỂU HIỆN… DƯỚI GÓC ĐỘ KHOA HỌC

GS.TS ĐÀO VỌNG ĐỨC

Nếu như đầu thế kỷ 20 khoa học đã hân hoan chào đón sự ra đời của thuyết lượng tử và thuyết tương đối thì thế kỷ 21 này, theo như dự đoán của nhiều học giả nổi tiếng, sẽ được đánh dấu một bước tiến vĩ đại, đó là nhận thức được rằng khoa học và tâm linh không đối nghịch nhau mà là hai mặt đối ngẫu bổ xung cho nhau để nghiên cứu thực tại.

Einstein nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ 20, người sáng tạo ra thuyết tương đối và khai sáng thuyết lượng tử, những luận thuyết đã mang lại biết bao nhiêu thành quả kỳ diệu trong khoa học và công nghệ hiện đại, vẫn luôn tự đánh giá vốn kiến thức của mình còn quá nhỏ bé trước huyền bí bao la và sâu thẳm của vũ trụ đã khẳng định rằng “KHOA HỌC, TÔN GIÁO, NGHỆ THUẬT LÀ NHỮNG CÀNH NHÁNH CỦA CÙNG MỘT CÂY…Khoa học không có tôn giáo thì khập khễnh, tôn giáo không có khoa học thì mờ ảo”. Panli, nhà vật lý lừng danh với “nguyên lý loại trừ Panli” trong vật lý nguyên tử thừa nhận rằng “nếu vật lý và tâm linh được xem như các mặt bổ xung cho nhau của thực tại thì sẽ cực kỳ thoả mãn”.

Tiên đề xuyên suốt của thuyết lượng tử là tính đối ngẫu bổ sung của thực tại thông qua “nguyên lý bổ sung đối ngẫu” khẳng định rằng mọi vật thể cùng một lúc thể hiện mình với hai bản chất tương phản nhau – sóng và hạt. Nguyên lý này dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trọng là vật thể vi mô chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là sự chuyển động từ vị trí này qua vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc. Suy rộng ra là có thể cùng một lúc hiện diện tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc có thể ở trong vô số trạng thái khác nhau. Điều này gợi cho ta liên tưởng đến các câu chuyện thần thoại về thần thông biến hoá, xuất quỷ, nhập thần… Thuyết lượng tử nhìn một cách sâu sắc rằng bản chất của mọi vật là sóng, thế giới hiện tượng là những con sóng lượn lan toả trên mặt một đại dương năng lượng mênh mông, có lúc cô đọng lại thành các khối có hình thể rồi lại cũng tan biến trên mặt đại dương đó.

Một phương hướng nghiên cứu sâu sắc nhất và có tầm quan trọng đặc biệt của Vật lý học hiện đại là xây dựng lý thuyết Đại thông nhật – thống nhất các dạng tương tác – các dạng năng lượng trên cùng một nền tảng.
Các kết quả nghiên cứu lý thuyết phát hiện ra rằng ngoài không gian ba chiều như ta đang sống và cảm nhận, nhất thiết phải có thêm ít nữa là 6 chiều không gian phụ trội… Ở đây, về lý luận còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, rất nhiều câu hỏi phải được lý giải. Chẳng hạn: Các chiều không gian phụ trội thể hiện ở đâu? Bản chất là gì và hình dáng ra sao? Những gì tồn tại trong đó? v.v…Có giả thiết cho rằng các chiều không gian phụ trội này chính là các chiều liên quan đến thế giới tâm linh. Cũng nảy sinh một câu hỏi rất tự nhiên rằng: ngoài các dạng tương tác đã được biết hiện nay còn tồn tại chăng các dạng tương tác khác chưa được phát hiện? Không loại trừ rằng còn có các dạng siêu tương tác ứng với các dạng siêu năng lượng liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên mà các giác quan bình thường của con người chưa thể cảm nhận được, cũng như khoa học và kỷ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện.

Có thể hy vọng rằng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của khoa học và công nghệ, dần dần chúng ta sẽ tiếp cận được những hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem như là huyền bí hoặc hầu như là phi lý.

Rõ ràng là nghiên cứu các lĩnh vực tinh tế khác nhau thì cách tiếp nhận phải khác nhau, đặc biệt với các hiện tượng siêu tinh tế thì đòi hỏi phải vận dụng các khái niệm và các hệ tiên đề hoàn toàn mới, có thể rất xa lạ với những điều quen thuộc trước đó. Đây là cuộc viễn chinh khoa học, gian nan nhưng đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa khoa học và tâm linh, sự đóng góp lâu dài công sức và trí tuệ của các nhà ngoại cảm. Chúng ta cũng nhận thức được rằng các tiềm năng của các nhà ngoại cảm là kho tài sản vô giá và sẽ là một cống hiến rất lớn cho đất nước, cho sự phát triển cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*