SỰ THỨC TỈNH CỦA KUNDALINI

Trong y học, một bệnh về thể chất (somatic) có thể được chẩn đoán chắc chắn nhờ quan sát bất thường của mô bệnh, hoặc bằng cách so sánh với các hằng số sinh học. Tuy nhiên một bệnh lý về tâm trí (psyche) nhiều khi chẳng có biểu hiện nào, hoặc mối liên hệ nào với các bất thường của cơ thể học, mô học hay các xét nghiệm cận lâm sàng. Sự chẩn đoán các bệnh tâm trí thường dựa nhiều vào triệu chứng lâm sàng cho nên rất dễ gây lầm lẫn! Lãnh vực Tâm thần học và Tâm lý học hiện còn nhiều giới hạn trong khi các bệnh tâm thần và các rối loạn tâm lý do sức ép của cuộc sống hiện đại càng lúc càng tăng.

Khoảng vài chục năm trở lại đây, có một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý đã phát hiện nhiều điều mới mẻ vượt quá phạm vi bệnh học tâm thần và rối loạn tâm lý thường gặp như các rối loạn: hưng phấn (manic), trầm cảm (depressive), lưỡng cực (bipolar), sợ hãi (panic), lo lắng (anxiety) v.v…

Đó là sự phát hiện các bệnh nhân có các triệu chứng bên ngoài giống như các bệnh rối loạn tâm thần, nhưng nguyên nhân là sự bùng phát một năng lượng bí mật, mà các phương pháp tu tập cổ xưa gọi là Kundalini. Sự phát khởi hay thức tỉnh của Kundalini không chỉ xuất hiện ở những người tu luyện về Kundalini hay tu tập các phương pháp thiền nào đó mà nó có thể xảy ra ở một người bình thường, tức là những người không tu tập, không biết gì đến khái niệm Kundalini!

Thời gian gần đây, khi gặp một bệnh nhân có những triệu chứng rối loạn tâm thần, hay rối loạn tâm lý, tôi thực sự phân vân khi suy nghĩ đến các chẩn đoán thông thường mà trước đây mình thường hay nghĩ tới.

Ghi nhận những trường hợp có liên quan:

– Tôi biết tại một trường thiền Myanmar, những năm vừa qua, một số thiền sinh có biểu hiện các triệu chứng được gọi là tâm thần. Họ được chuyển về nước để điều trị tại bệnh viện tâm thần.Tin nghe rằng họ đã từ từ bình phục. Đây là trường thiền uy tín, phương pháp thiền có các thày tu hướng dẫn. Tại đây không chủ trương tu luyện Kundalini (thuộc Ấn Giáo). Mọi thiền sinh tu tập thiền định của Phật Giáo (Jhana), đối tượng tập trung không phải là các luân xa hay Kundalini. Như vậy dù không cố ý khích động, phải chăng Kundalini vẫn cứ trỗi dậy khi hội đủ những điều kiện thích hợp?

– Cách đầy nhiều chục năm, khi phụ trách nội khoa tại một bệnh viện tỉnh, tôi đã gặp một bệnh nhân nam, khoảng 30 tuổi, nhập viện vì xuất tinh liên tục. Hỏi bệnh thì biết triệu chứng xảy ra khi tập thiền bằng cách tập trung vào một đầu que nhang đang cháy!

– Một blog friend trên Yahoo 360 của tôi thuật lại: Khi bất ngờ bị shock tâm lý vì hoàn cảnh riêng, cô đã đi vào phòng, tắt đèn cho căn phòng tối hoàn toàn, rồi nằm xuống giường. Nhưng lạ thay, cô ta bỗng thấy căn phòng tối bỗng nhiên sáng rực! Từ đó cô ta có phát triển một vài khả năng về nhận thức. Trường hợp này, phải chăng, ngay cả một sang thương tâm lý cũng có thể tạo ra các triệu chứng giống như Kundalini thức tỉnh?

– Khoảng 5 năm trước đây, tôi tình cờ search được trên Internet một báo cáo của các bác sĩ Hoa Kỳ về các trường hợp chấn thương tâm lý trong chiến tranh Việt Nam gây ra các triệu chứng giống như các triệu chứng biểu hiện sự thức tỉnh của Kundalini. Thực ra, giữa bệnh lý tâm thần (Psychosis) và sự bùng phát Kundalini có rất nhiều triệu chứng giống nhau. Khi có thời gian và thông tin tôi sẽ đưa vào bài viết này.

– Mới đây, một bệnh nhân nữ, bốn mươi tuổi, đến xin khám vì mất ngủ gần một tháng, bứt rứt suốt đêm, chỉ ngồi mà không năm xuống giường được. Lúc thăm khám thì nói nhiều, nói lớn tiếng, hát lầm thầm trong miệng. Bệnh nhân có khả năng tiếp xúc tốt, trí óc vẫn minh mẫn, suy luận logic. Hỏi tiền sử, bệnh nhân cho biết hoàn toàn khỏe mạnh. Có hành thiền theo một giáo phái. Vừa quay về sau một thời gian tu thiền tập thể dài ngày. Vậy thì chẩn đoán làm sao? Có phải là các bệnh rối loạn tâm lý thường gặp hay là những triệu chứng của sự thức tỉnh Kundalini?

Trong cuốn sách xuất bản năm 1990, các nhà nghiên cứu của môn tâm lý học siêu cá thể (transpersonal psychology) Grof và Grof sử dụng từ “khẩn cấp tâm linh” (spiritual emergency) để mô tả “giai đoạn quan trọng với những trải nghiệm khó khăn, do một chuyển đổi tâm lý sâu sắc, ảnh hưởng đến toàn bộ hiện sinh của một người.” Hiện tượng này khác với quá trình gọi là “Nảy chồi tâm linh” (spiritual emergence) có diễn tiến chậm và đều hơn. Họ mô tả sự thức tỉnh của Kundalini như là một trong mười thể loại của hiện tượng “nảy chồi tâm linh”.

Những thuật ngữ này sau đó cũng được sử dụng bởi các tác giả viết về Kundalini như Sovatsky và Yvonne Kason.

– Đây là khái niệm quá mới trong lãnh vực y học và tâm lý học, nên để dịch cụm từ “spiritual emergency” hiện nay tiếng Việt chưa thể có cụm từ nào thích hợp và dễ hiểu.

Sự khác biệt giữa “khẩn cấp tâm linh” với “bệnh tâm thần”

Trong các tác phẩm của mình, Gopi Krishna và Bentov đều ghi nhận sự tương đồng giữa hiện tượng Kundalini thức tỉnh, vào giai đoạn sớm (hoặc vào giai đoạn chưa định huớng của nó) với trạng thái rối loạn tâm thần. Một vài năm sau đó, Kason nêu lên các tiêu chí nhằm phân biệt giữa một số trường hợp “Khẩn cấp tâm linh” và các trường hợp “rối loạn tâm thần” . Một người, trong tình trạng “Khẩn cấp tâm linh”, chỉ đang chịu thử thách với trải nghiệm riêng của họ. Điều này hoàn toàn khác với trường hợp bệnh “rối loạn tâm thần”, bệnh nhân bị khống chế bởi chính họ.

Điều trị:

Bentov định nghĩa các rối loạn kundalini như việc giải phóng các tắc nghẽn trong hệ thống tâm-thể (psycho-somatic system). Cách điều trị tốt nhất là tập luyện một chương trình thiền nhẹ nhàng hoặc tập yoga hoặc tập hơi thở.

Những căng thẳng trong hệ thống tâm-thể thực sự là do những mẫu năng lượng. Chúng phải được chuyển đổi và loại bỏ ra khỏi cơ thể. Một trong những cách phổ biến nhất để chuyển đổi sự căng thẳng là biến chúng thành những chuyển động cơ thể. Rất dễ thấy những người hành thiền đôi khi có những chuyển động cơ thể không tự nguyện khác nhau. Chẳng hạn như di chuyển cánh tay, di chuyển đầu, lắc lư toàn bộ cơ thể v.v…Các chuyển động cơ thể càng trở nên mạnh mẽ, năng lượng dồn ép được giải phóng ra càng nhiều. Có nhiều cách khác để những căng thẳng do năng lượng có thể thoát ra. Đây là sự giải phóng trực tiếp của cảm xúc. Nó có thể mang hình thức của chứng trầm cảm như dễ khóc, dễ xúc động, nói chung. Các biểu hiện đơn giản khác có thể là đau tạm thời tại các chỗ khác nhau trên khắp cơ thể. Các pháp thiền thích hợp cùng với các bài tập thư giản cơ thể nhẹ nhàng, chẳng hạn như một số tư thế hatha yoga, các bài tập thở nhẹ, có thể là phương pháp điều trị rẻ tiền, nhanh nhất và hiệu quả nhất, để loại bỏ căng thẳng năng lượng khỏi cơ thể.

Nhưng không phải bất cứ ai hành thiền đều bị các triệu chứng rối loạn Kundalini như mô tả ở trên. Ngược lại, phần lớn những người thực hành thiền định đều có cảm giác rất thú vị hoặc thậm chí hạnh phúc. Đa số người hành thiền đều đạt được một cảm giác bình an nội tâm và tĩnh lặng.

Phạm Doãn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*