CẢM XẠ HỌC- TÂM LINH HUYỀN BÍ HAY THỂ DỤC XÃ STRESS?

Hiện nay, tuy chưa có văn bản pháp lý nào liên quan đến cảm xạ học nhưng phong trào học cảm xạ đang có xu hướng lan tỏa nhanh tại các thành phố lớn ở nước ta. Một số người xem việc học cảm xạ như… một thứ mốt. Một số người học cảm xạ vì cho rằng đó là một thứ “tâm linh huyền bí” có thể chữa được thiên tật, bá bệnh. Một số người khác học cảm xạ để mong mình trở thành một nhà… ngoại cảm. Không ít người đã lạm dụng cảm xạ học để tự tôn mình thành một pháp sư huyền bí có thể chữa mọi chứng bệnh, kể cả… ung thư và AIDS.

Để rõ thực hư, ngày 18/11 vừa qua, PV Chuyên đề ANTG đã tham gia một chuyến dã ngoại “thu năng lượng trời, đất” tại Bình Phước của lớp cảm xạ học (do Cung Văn hóa Lao động TP HCM phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng Cảm xạ Địa Sinh học thuộc Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức).

Buổi dã ngoại thần bí?

Tham gia buổi dã ngoại gồm 80 học viên cảm xạ của 2 nhóm: Nhóm học viên Cung Văn hóa Lao động và nhóm học viên của Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng Cảm xạ Địa Sinh học (TTCX) thuộc Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Người cao tuổi nhất là một cụ bà Việt kiều 85 tuổi, cư ngụ ở California. Có 4 trẻ em ở độ tuổi 12. Có một số cán bộ công chức nhà nước. Ngoài ra còn có chị Wanatabe Nabe – du học sinh người Nhật và ông Bùi Anh Thái – nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa người Việt ở Vacsava (Ba Lan).

Địa điểm dã ngoại là một vườn cao su thuộc ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

9 giờ sáng, anh Kiên – Phó giám đốc TTCX tập họp mọi người dưới tán vườn cao su vắng vẻ. Sau khi được nhắc nhở kiến thức “thu năng lượng” và phương pháp “vô thức trị liệu” đã học, mọi người tản ra. Từng người lẳng lặng tìm cho mình một gốc cao su đứng trực diện và nhắm nghiền mắt. Ai cũng có vẻ tập trung cao độ. Lúc này, mọi âm thanh trong vườn cao su như chìm lắng vào trạng thái tĩnh mịch trên nét mặt của từng người. Vài phút trôi qua chậm rãi.

Bất giác, một người phụ nữ trạc 50 tuổi bắt đầu uốn éo thân hình bằng một vũ điệu kỳ quái, chậm chạp trong khi mắt vẫn nhắm nghiền và hai cánh tay run rẩy như đang lên đồng. Cách đó không xa, một người đàn ông khoảng 30 tuổi cũng bắt đầu vung vẩy 2 cánh tay. Anh ta đưa hai cánh tay lên cao như đang cố bắt những con bướm vô hình trong không trung. Một thanh niên khoảng 25 tuổi ngồi bẹp xuống đất, lắc đầu chầm chậm rồi nhanh dần. Một cô gái khoảng 20 tuổi, mặc đồ trắng toát nằm lăn ra đất thiêm thiếp trong khi 2 chân co giật liên hồi.

Tôi đưa mắt quan sát khắp lượt và… lạnh gáy khi nhận thấy hơn 50 người đang vật vờ, uốn éo, run rẩy trong trạng thái gần như vô thức. “Vũ điệu ma quái” của họ càng lúc càng nhanh. Số còn lại vẫn đang nhắm nghiền mắt, đứng đối diện các gốc cây cao su, có vẻ như đang cố gắng “nhập” vào một thế giới huyền bí nào đó. Có người nhóp nhép miệng nói lẩm nhẩm không thành tiếng. Họ giống như những… thây ma vô hồn.

Một giờ đồng hồ trôi qua trong quang cảnh ma quái của những con người gần như vô thức, không quan tâm đến ngoại cảnh. Lần lượt từng người trở lại trạng thái bình thường.

Tôi tiếp cận ngay người phụ nữ trạc 50 tuổi, có “vũ điệu” cuồng nhiệt nhất. Đó là bà Võ Hoàng Lan Anh 49 tuổi. Cư ngụ tại TP HCM là cán bộ một phòng kinh doanh của một đơn vị nhà nước. Bà khẳng định những “vũ điệu” đó hoàn toàn tự nhiên, không chủ ý. Khi cơ thể uốn éo, bà cảm nhận được trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo chứ không vô thức. Chồng và cô con gái của bà đang là sinh viên năm thứ tư một trường đại học cũng cùng tham gia học cảm xạ với bà. Bà cho biết: “Khi tôi thả lỏng cơ thể, các cơ bắp tự điều khiển ra các động tác như thế”.

Một số thành viên khác cũng xác nhận với tôi như vậy.

Kết thúc buổi sáng trong không khí thần bí, mọi người ăn trưa và được hướng dẫn “giấc ngủ thần tiên” 1 giờ trong căn chòi lá.

Đầu giờ chiều, tôi còn lạnh lưng khi chứng kiến mọi người đi chân trần trên đống mảnh chai bể bén ngót trải dài khoảng 3 mét. Những bàn chân trần giẫm lên “tấm thảm” mảnh chai nghe lạo xạo đến lạnh người. Người già, trẻ con đều lần lượt đi qua “tấm thảm” mảnh chai. Cô gái Nhật Wanatabe Nabe thích thú đi 2 lần.

Sau đó, một nhóm 6 người bắt đầu bấm huyệt cho những người bị yếu thính giác hoặc đau cột sống theo phương pháp “thập chỉ liên tâm pháp”. Cụ Hà Thanh, 72 tuổi, đang sinh sống ở California bị chứng lãng tai. Sau khi được đích thân ông Dư Quang Châu bấm huyệt đã thốt lên: “Tôi nghe rõ mồn một”. Hầu hết những người được bấm huyệt đều khẳng định cơn đau của họ được cải thiện rõ rệt.

Trời vừa sập tối, ban tổ chức đốt một đống than to đùng rồi rải ra thành một “tấm thảm” lửa rộng 1 mét, dài 5 mét. Tất cả các học viên đều phải đi chân trần qua “tấm thảm” lửa cháy đỏ phừng phực, kể cả các cụ già và trẻ em. Có hơn 70 người đi qua an toàn. Số còn lại rên rỉ vì… hình như phỏng chân.

Vén bức màn sự thật

Cô Wanatabe Nabe khẳng định: “Tôi không thuộc tuýp người duy tâm. Lúc đầu tôi nghi ngờ cảm xạ học và đăng ký học để khám phá điều gì đang xảy ra. Học xong tôi mới hiểu vũ điệu vô thức hoàn toàn có thật và không phải là điều thần bí gì cả”. Cô Wanatabe nói thêm: “Nếu anh thử thực hành như chúng tôi, anh cũng sẽ rơi vào trạng thái như chúng tôi ngay tức khắc”.

Tôi gặp bác sĩ Dư Quang Châu – người khai sinh môn cảm xạ học Việt Nam. Ông cười sảng khoái giải thích: “Không có điều gì thần bí ở đây cả. Tất cả đều xảy ra tự nhiên. Rung động thư giãn là một cơ chế hoàn toàn bình thường của cơ thể. Nếu tỉnh táo nhìn ở khía cạnh khoa học thì bình thường. Tuy nhiên, một số người đã lạm dụng nó, thổi màu sắc huyền bí vào để trục lợi thì nó biến thành phép thuật. Việc đi chân trần trên mảnh chai sắc bén và đi trên lửa cũng hoàn toàn khoa học, người bình thường cũng đi được”.

Để xác tín điều bác sĩ Dư Quang Châu nói, tôi đã thử “rung động thư giãn” theo sự hướng dẫn của một học viên cảm xạ. Thật bất ngờ, chỉ sau vài phút làm theo sự hướng dẫn, cơ thể của tôi cũng uốn lượn nhè nhẹ. Tuy không đến mức độ phải bò lăn ra nhưng tôi cảm nhận rất rõ ràng cơ thể có chuyển động.

Bác sĩ Dư Quang Châu giải thích thêm: Rung động thư giãn chỉ là một hình thức thiền động. Thiền động khác với thiền tịnh. Cơ thể con người có 2 hệ thống thần kinh. Đó là hệ thống thần kinh động vật và thần kinh tự động. Hệ thống thần kinh động vật làm việc theo sự điều khiển của người. Còn hệ thống thần kinh tự động làm việc theo cơ chế tự hoạt động theo sự điều khiển tự động của bộ não mà người không chủ động. Ví dụ như đổ mồ hôi để giải nhiệt, gật gù khi nghe nhạc, vươn vai khi mỏi mệt, tim đập chậm khi thư giãn. Để kiểm soát cơ thể, cảm xạ viên nhắm mắt để khởi động hệ thần kinh động vật rồi lắng nghe “đòi hỏi” của cơ thể. Khi ấy, hệ thống thần kinh tự động sẽ được kiểm soát.

Cảm xạ viên tập trung ý thức để lắng nghe cơ thể chính mình thì xuất hiện 2 trạng thái. Trạng thái vật chất sẽ làm chủ thể ưỡn ẹo, múa may theo sự điều khiển tự động của cơ thể. Trạng thái tinh thần sẽ làm chủ thể nói những điều chất chứa trong lòng. Những u uất, phiền muộn cá nhân sẽ được xả ra bằng cách khóc lóc. Tất cả những điều đó xảy ra trong khi ý thức chủ thể hoàn toàn tỉnh táo.

Ông Châu khẳng định, các pháp sư đã tận dụng phương pháp này để thực hiện lên đồng, nhập xác. Tuy nhiên, họ cường điệu “diễn xuất” và phà hơi thần bí vào để biến thành hình thức tâm linh. Nếu soi xét từ khía cạnh khoa học thì phương pháp này giúp con người xả tất cả những dồn nén bất lợi cho cơ thể (stress). Những chứng bệnh nghề nghiệp cũng là một thứ dồn nén cũng được cơ thể đào thải ra ngoài.

Chuyện đi chân trần trên mảnh chai sắc và đi chân trần trên than cháy đỏ, ông Châu giải thích: “Đó là cách giúp học viên chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, tạo sự tự tin. Bình thường, mọi người đều nghĩ đạp lên mảnh chai sẽ đứt chân, đổ máu. Tuy nhiên, đi chân trần trên một đống mảnh chai sẽ không xảy ra điều đó. Khi bàn chân tiếp xúc trên đống mảnh chai sẽ có ít nhất 20 mảnh chạm vào da chân, do đó trọng lượng cơ thể con người chia đều lực tiếp xúc. Do da đàn hồi và lực tiếp xúc chưa đủ mạnh để đâm rách da. Không cần học cảm xạ, không cần bùa chú, ai cũng có thể đi trên đống mảnh chai vỡ. Tất nhiên là có sự hướng dẫn kỹ thuật đi đúng cách. Đi trên than cháy đỏ cũng vậy. Chúng tôi đưa 2 trò chơi này vào môn học với mục đích giúp học viên tự tin với chính bản thân mình. Thế thôi”.

Cần có sự kiểm soát

Năm 1998, lần đầu tiên ở Việt Nam, môn cảm xạ học chính thức được quan tâm nghiên cứu dưới hình thức một số đề tài khoa học mang số hiệu 812 do bác sĩ Dư Quang Châu làm chủ nhiệm. Từ bấy đến nay, bác sĩ Dư Quang Châu đã tổ chức hàng trăm khóa dạy cảm xạ học cho hàng ngàn học viên và thu được những kết quả khả quan trong việc điều chỉnh thể trạng, nâng cao sức khỏe con người.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu khoa học, cảm xạ học là khả năng nhạy cảm của con người với bức xạ từ các vật thể. Việc sử dụng tốt năng lượng từ tính sẽ đạt được bằng cách tác động lên toàn thân, cơ thể, trí óc, tinh thần, ý thức và vô thức.

Cảm xạ (tiếng Pháp: Radiesthésie; tiếng Anh: Radiesthesia) xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhạy cảm”. Cảm xạ tồn tại dưới các hình thức khác nhau từ hàng ngàn năm trước. Từ xa xưa, một số phù thủy lợi dụng cảm xạ phục vụ mục đích bói toán (divination).

Ông đã mang bộ môn cảm xạ học sang một số nước châu Âu và được nhiều người đón nhận, luyện tập. Trong số học viên đó, có không ít người đã đạt được trình độ tối ưu.

Và cũng không ít người đã lợi dụng các phương pháp cảm xạ học, thần thánh hóa, dị đoan hóa rồi tự xưng mình là pháp sư để lừa đảo tiền bạc của người khác.

Bà Hà Thanh, Việt kiều Mỹ ngụ tại California đang tham gia buổi dã ngoại kể, một người tên N.S. đã sang khu vực cư trú của bà dùng phương pháp cảm xạ, kèm theo bùa chú để trị bệnh thu rất nhiều tiền. Có khi ông ta bắt gia chủ lập đàn thờ cúng như một pháp sư chính hiệu. Lần về nước này, tham gia lớp học cảm xạ bà mới biết, ông N.S. đã lừa mị người cả tin.

Ông Bùi Anh Thái cho biết, nhân vật N.S. là người Ba Lan gốc Việt. N.S. đã từng là một học viên cảm xạ ở Trung tâm Văn hóa người Việt Vacsava khi ông Thái còn là giám đốc ở đấy. Sau khi học xong, N.S. rời Ba Lan chu du sang Mỹ đến các nơi có cộng đồng người Việt sinh sống để làm… pháp sư trị tà ma. Hiện nay, N.S. đang “làm mưa, làm gió” ở khu vực miền Bắc Việt Nam với cái mác “nhà ngoại cảm”. Dù chưa từng xuất gia, học Phật, thỉnh thoảng ông ta khoác trang phục một nhà sư để tổ chức cúng đàn thuê cho doanh nghiệp với giá hàng tỉ đồng. Trong một buổi cúng đàn năm 2010, ông ta cho đốt số lượng vàng mã đến vài trăm triệu đồng.

Ông Dư Quang Châu cũng thừa nhận: “Phương pháp rung động thư giãn có vẻ giống như trạng thái “nhập hồn”. Lợi dụng điều đó, người ta đã làm điều vô đạo đức. Trong số đó có không ít học trò của tôi. Tôi khẳng định, cảm xạ học không liên quan gì đến hồn ma, thần linh gì cả. Cần cảnh báo cho mọi người hiểu thật rõ điều này”.

Rõ ràng, những điều xảy ra trong buổi dã ngoại, chỉ là một biện pháp thư giãn, thể dục tinh thần, xả stress. Chẳng có gì huyền bí, tâm linh hay phép thuật như người ta đã từng đồn thổi

Nông Huyền Sơn

Nguồn: Báo Công An Nhân Dân cand.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*