PHẬT TỬ NHÌN NHẬN VỀ HIỆN TƯỢNG NGOẠI CẢM NHƯ THẾ NÀO? KỲ 6…]

Kỳ 6 loạt bài “Chuyện kể của Phật tử khi gặp một số nhà ngoại cảm” với những phân tích về hiện tượng ngoại cảm dưới góc nhìn Phật giáo.

Người Phật tử nhìn nhận về hiện tượng ngoại cảm như thế nào? Câu trả lời ngắn gọn, người Phật tử nhìn nhận về hiện tượng ngoại cảm “lạ” mà không lạ.

Vì sao vậy? “Lạ” là vì khả năng ngoại cảm không nảy sinh từ các giác quan thông thường (5 giác quan: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác) (1).

Không lạ. Là vì khả năng ngoại cảm chính là khả năng thần thông như trong quan niệm của đạo Phật.

Tất nhiên, người tu chứng thần thông trong kiếp hiện tại thường có một phần không liên tục của một loại thần thông, hay chứng được một hay 2 khả năng…trong lục thông (6 loại thần thông), hoặc đọc kinh sách Phật giáo, chúng ta cũng biết có được một vài đệ tử của đức Phật đã chứng được lục thông.

Qua quan sát, với tri thức nhỏ bé của bản thân, chúng tôi nhận thấy các nhà ngoại cảm dù là nổi tiếng nhất trong những năm qua, cũng chỉ có một vài nhà ngoại cảm có được một hoặc 2 loại khả năng thần thông.

Tuy nhiên, cái một hay hai đó không liên tục, lúc có – lúc không, có tính gián đoạn…

Tại sao khả năng đó lại không nảy sinh (phân biệt từ “nảy sinh” và ‘chứng đắc”) liên tục dù là một khả năng thần thông, là vì với nhà ngoại cảm không phải họ tu chứng đắc ngay trong kiếp này mà có (Tâm định khai mở nhãn tức thì), mà là khả năng ngoại cảm (quả) có được là hệ quả hồi dư từ (nhân) của kiếp trước.

Như thế nào thì được gọi là nhà ngoại cảm?

Trước hết thuật ngữ ngoại cảm theo nghĩa nôm na của tiếng Việt, “ngoại” là có khả năng ngoài tính thông thường (5 giác quan), “cảm” là “biết”, khả năng để “nhận biết” được bằng các kênh phi truyền thống (không phải 5 giác quan nêu trên) thì được gọi là có khả năng ngoại cảm.

Tất nhiên, mọi khái niệm cũng chỉ là giới hạn, tri thức mà con người dùng để diễn giải cũng chỉ được truyền tải bằng ngôn ngữ với các khái niệm qui ước.

Nếu theo quan điểm đó, thì những người mà có khả năng phi truyền thống (xét riêng lẻ một cá nhân) nhưng sử dụng kênh trung gian sẽ không được coi là có khả năng ngoại cảm như lâu nay Trung tâm NCTNCN và UIA đặt tên là “nhà ngoại cảm” cho một số nhân vật.

Trong sự hiểu biết khiêm hạ, thử phác thảo phân tích sau:

Ví dụ: Chị Phan Thị Bích Hằng có thể nghe được, thấy được người ở cõi giới khác, dù là cái nghe và thấy có thể không liên tục, không bao hàm nhiều cõi giới, nhưng cái “thấy”, cái “nghe” đấy nằm ngoài các giác quan thông thường thì có thể gọi là nhà ngoại cảm là chính xác.

Tương tự là anh Dương Mạnh Hùng khi qua cách bắt mạch (xúc giác), sau đó lại chuyển tín hiệu qua kênh khác (ngoài 5 giác quan thông thường) lại “nghe” được, “thấy” được chúng sinh ở cõi giới khác cũng được gọi là nhà ngoại cảm.

….Và như thế nào thì không nên gọi là “nhà ngoại cảm”

Còn một loạt các “nhà ngoại cảm” mà các nhà nghiên cứu gắn danh xưng khác như chị Nguyễn Thị Kim Chinh (Hà Nội), Nguyễn Thị Xuyến (Hải Dương), cô Phương (Thanh Hóa), bà Điền (Hà Tây cũ), cô Phú (Thái Nguyên),….là không đúng, nếu xét theo khái niệm ngoại cảm theo cách hiểu như trên.

Mặc dù các nhận vật nêu trên cũng có “thấy”, có “biết” được một phần nào ngoài các giác quan thông thường nhưng là thấy, biết trong lúc có “vong” nhập, hoặc sự hỗ trợ của vong để phục vụ cho cái “thấy”, cái “biết” nêu trên. Nên không được gọi là “nhà ngoại cảm”.

Vì cái “thấy”, cái “nghe” của họ không phải là “nội lực: mà họ dựa vào nhân vật trung gian, chẳng qua với chúng ta nhân vật đó ở cõi giới khác thì chúng ta thấy họ khác nhân vật trung gian khác ngay trong một hệ qui chiếu mà thôi.
Ví dụ: Ông A nghe bà B kể về ông C, qua đó ông A tả về ông C chính xác cho các nhà nghiên cứu nghe. Như vậy, ông A không phải là có khả năng ngoại cảm.

Theo quan điểm Phật giáo dù chúng sinh đang sống (có thân xác vật lý) hay đã mất (không còn thân xác vật lý) thì vẫn là chúng sinh, các nhân vật “nhà ngoại cảm” nêu trên sử dụng kênh trung gian, nhờ vào “tha lực” – tức là “nội lực” của chúng sinh ở cõi khác, nên không phải họ khai mở khả năng từ chính họ, bằng các giác quan ngoài 5 giác quan truyền thống, nên không gọi họ là nhà ngoại cảm như sự nhầm lẫn của một số nhà nghiên cứu lâu nay.

Thực chất họ chỉ đóng vài là ghế đồng để “tha lực” mượn thân xác vật lý trong những khoảng thời gian nhất định.

Đơn giản và dễ hiểu hơn, những nhân vật trên là những cô đồng, ghế đồng để cho các chúng sinh khác mượn thân xác để truyền tải thông điệp, nên dù họ có nói chính xác về một vấn đề nào đó (thực tế đa số là nói sai, lúc đúng – lúc sai…) nên không thể gọi là “nhà ngoại cảm”.

Với cách hiểu này, chúng tôi tin rằng ở Việt Nam số người có khả năng ngoại cảm không nhiều, đa số thời gian qua rộ lên phong trào ngoại cảm và loạn “nhà ngoại cảm” là từ các cô đồng, lính ghế được nhiều nhà nghiên cứu tôn thành “nhà ngoại cảm”.

Ngoại cảm và người chứng đắc thần thông = nhau và không = nhau

Như vậy, nếu đặt vấn đề khả năng ngoại cảm là như vậy thì nhà ngoại cảm không khác gì những người chứng đắc các quả vị thần thông trong Phật giáo về mặt khả năng ngoại cảm nói chung (tuy mức độ có thể khác nhau giữa từng người, và bản thân một người trong từng thời điểm cũng khác nhau về khả năng đó).

Sự khác nhau là nằm ở chỗ vận dụng và sử dụng khả năng thần thông đó vào mục đích gì?!

Tại sao có thể nói nhà ngoại cảm = người chứng đắc thần thông?

Bạn đọc hình dung sơ đồ sau:

Nhân duyên quá khứ (kiếp trước) = người tu hành (hiện tại) = chứng đắc thần thông (a)

Nhân duyên quá khứ (kiếp trước) = người bình thường (trả qua 1 trong 4 con đường nêu sau) = nhà ngoại cảm = có khả năng thần thông (b)

Phật giáo khi nhìn nhận sự vật hiện tượng nhìn trong tính liên tục – luôn hồi, và tính nhân – quả. Tất nhiên các mức độ giữa (a) và (b) có thể như nhau và không như nhau.

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải ở Trung tâm NCTNCN cho rằng có 4 con đường dẫn đến khả năng ngoại cảm: Thứ nhất là bẩm sinh, tức sinh ra đã có khả năng ngoại cảm. Thứ hai, sau những trận ốm thập tử nhất sinh, tai nạn… bỗng phát hiện ra khả năng này. Thứ ba, các thiền sư tu hành lâu năm, đắc đạo. Thứ tư, do được đào tạo.

Theo hiểu biết hạn hẹp của cá nhân tôi, về mặt hình thức nhận biết qua các giác quan thông thường (nghe, thấy) thì cách phân loại ra 4 con đường dẫn đến có khả năng ngoại cảm như nêu trên là không sai. Nhưng chúng ta là Phật tử, chúng ta hiểu không có nguyên nhân gì là ngẫu nhiên, là “bỗng dưng” nảy sinh, tất cả đều bắt nguồn từ nhân duyên và là “quả” của “nhân” và ngược lại của qui trình đó. Qui trình nhân – quả.

Do vậy, đối với những người có khả năng ngoại cảm sau khi tai nạn, ốm đau, hay bẩm sinh thì đều là do nhân duyên tu tập từ kiếp trước mà có. Và do vậy, về mặt “có khả năng ngoại cảm” xét theo hình tướng là “có” thì giữa các vị tu hành chứng được trong kiếp này và các nhà ngoại cảm là không khác nhau.

Và điểm khác là gì?

Với những vị tu chứng thần thông ngay trong một kiếp (trần gian) – (sở dĩ chúng tôi chú thích một kiếp – trần gian, là vì cách hiểu như thế nào được gọi là một kiếp cũng là một thuật ngữ không đơn giản về nghĩa), thường họ ẩn mình, và ít khi tuyên bố về khả năng chứng đắc của mình, trừ các trường hợp đặc biệt, vì lý do phục vụ chúng sinh và đạo Pháp.

Còn với các nhà ngoại cảm thì khi đã có danh xưng nhà ngoại cảm, có nghĩa họ là người của công chúng. Có 2 cách nhìn để nói về khả năng của họ.

Đạo Phật là đạo giải thoát, do vậy  dù có hay không có khả năng ngoại cảm thì nếu ai đã đặt quyết tâm tu để giải thoát đều phải hướng tất cả vào mục đích tối thượng đó. Dù có chứng được thần thông, cũng quên đi sự ‘chứng” đó, để đạt quả vị giải thoát và chí ít là hướng đến mục tiêu giải thoát. Nếu mải mê theo sự “chứng” sẽ là một chướng duyên cho con đường tu chứng và giải thoát – hiểu theo nghĩa rốt ráo.

Chúng tôi nghĩ rằng, với những trường hợp nhà ngoại cảm dùng khả năng đó để khoe khoang (danh), và tư lợi (lợi), thì thật uổng phí cái sự chứng mà chưa chứng thần thông.

Còn những nhà ngoại cảm phát tâm hạnh nguyện dùng “khả năng ngoại cảm” đó để phục vụ khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ chúng sinh thì cũng thật đáng biểu dương và trọng thị, vì cái nổi tiếng của họ có được là hệ quả của Tâm trong sáng – vị sinh chứ không phải vị danh. Do vậy, đó cũng là một hạnh nguyện của tu đạo, cũng là hạnh nguyện hướng đến bờ giải thoát về sau.

Theo thiển ý nhỏ bé của cá nhân tôi, là người Phật tử, chúng ta không nên nghĩ các nhà ngoại cảm có khả năng thật sự đều là đi sai đường. Một số người có cách suy nghĩ này, họ nghĩ hạn hẹp rằng, vì đạo Phật hay thời đức Phật ngăn cản các đệ tử sử dụng thần thông, nên ai sử dụng thần thông cũng đều sai đường.

Thực ra, đức Phật không ngăn cản ai sử dụng thần thông, vì cái sự “ngăn, khuyên” ở đây nếu hiểu theo nghĩa đen lại trái lời Phật dạy, mà “ngăn, khuyên” là tránh cái chướng của “ngã”, say sưa tự đắc với sự chứng thần thông, chứ bản thân “thần thông” không có ngăn mà cũng không có không “ngăn” khi đã hiểu theo nghĩa ‘chứng đắc” mà có được.

Với cách hiểu bát nhã như vậy trong trường hợp thần thông là tương xứng, vì để đạt (chứng) được thần thông cũng là điều không giản đơn, người bình thường đâu dễ để có (chứng).

Còn nữa….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*