NHÀ NGOẠI CẢM CHỈ NÓI CHUYỆN ĐƯỢC VỚI CÁC “OAN HỒN”? [KỲ 9…]

Kỳ 9 loạt bài “Chuyện kể của Phật tử khi gặp một số nhà ngoại cảm” với những phân tích của tác giả về “linh hồn” dưới góc nhìn Phật giáo.

Kỳ IX: Nhà ngoại cảm chỉ nói chuyện được với các “oan hồn”?

Nhà ngoại cảm chỉ nói chuyện được với các “oan hồn”? Có bài viết đã khẳng định như vậy, cho rằng nhà ngoại cảm chỉ có thể nói chuyện được với các “oan hồn” và chúng sinh ở cõi ngã quỷ, họ không thể tiếp xúc được với các “linh hồn”- chúng sinh ở cõi khác. Có đúng vậy không?

Trong dân gian, tuy không có định nghĩa rõ ràng, nhưng đa số sự hiểu “linh hồn” là chỉ chung chung tất cả các trạng thái sau cái chết vật lý và sinh học của thân xác.

Chúng tôi có cách hiểu, sau cái chết vật lý và sinh học của thân xác, trải qua 49 ngày thân trung ấm, “linh hồn” vẫn có thể đang tiếp tục trải qua giai đoạn trung gian (thân trung ấm), có thể đã đầu thai vào cõi súc sinh, cõi Nhân (có thân xác vật lý và sinh học), hoặc tái sinh vào một trong 4 cõi (không có thân xác vật lý và sinh học), tức là đã thành chúng sinh ở các cõi khác trong lục đạo luân hồi.

Do vậy, “linh hồn” phải được hiểu trong tính luân hồi liên tục, không đơn giản là “linh hồn” ở cõi âm, còn người sống ở cõi dương như trong dân gian thường quan niệm.

Kể cả “linh hồn” đó đã đầu thai trở lại thành người, thì xác suất để trở thành người trên trái đất cũng không cao, nếu xét theo xác suất toán học, vì cõi Nhân cũng bao la trong  vũ trụ (xem kỳ VIII).

Chúng tôi cũng đã đọc một số tài liệu của một số tác giả, các tài liệu đó trích dẫn kinh điển, một số vị đã phân tích và cho rằng trong đạo Phật không công nhận có “linh hồn”.

Bạn đọc nào trao đổi, có ý kiến thắc mắc, phản biện xin lưu ý là trước khi trao đổi nên làm rõ khái niệm “linh hồn” theo cách hiểu nào?

Nếu theo cách hiểu “linh hồn” là thường hằng bất biến thì đạo Phật không công nhận, còn “linh hồn” chỉ là một giai đoạn của  chu kỳ luân hồi liên tục trong lục đạo, hoặc “linh hồn” trong trường hợp đã đầu thai và thành chúng sinh ở cõi khác (cõi vô hình, hoặc hữu hình) thì khái niệm “linh hồn” đã rất khác xa cách hiểu như trong quan niệm dân gian.

Theo cách hiểu như vậy, chúng tôi có đôi điều trao đổi về nội dung của hai bài báo sau:

Bài “Cõi âm và khả năng ngoại cảm” đăng trên báo Giác Ngộ, trang Phattuvietnam.net đã đăng lại tại đường link: http://www.phattuvietnam.net/4/tamlinh/2057.html

Bài phỏng vấn Thượng tọa Thích Thanh Duệ với tiêu đề “Ngoại cảm không “nói chuyện” với hồn” đường link: http://www.phattuvietnam.net/4/tamlinh/2434.html, nội dung bài báo cho rằng, không có chuyện nhà ngoại cảm nói chuyện và tiếp xúc được với “linh hồn”.

Trước hết xin được trao đổi và thảo luận, chúng tôi không đơn giản nghĩ rằng là sự hiểu của mình đã đúng, nhưng mọi sự trao đổi chân thành sẽ có lợi cho nhận thức chung.

Thứ nhất, nhận định cho rằng nhà ngoại cảm không thể nói chuyện được với “linh hồn” sau cái chết sinh học và vật lý của thân xác, chúng tôi không nhận định như vậy.

Thứ hai, nhận định cho rằng nhà ngoại cảm chỉ nói chuyện được với các “oan hồn”, chúng tôi cho đó là một kết luận vội vàng và chưa thỏa đáng.

Ở góc độ khoa học xã hội và nhân văn khi nhận định như vậy là rất thiếu “tế nhị”.

Trong bài viết này, chúng tôi thành tâm trao đổi trên tinh thần cầu thị, hoan hỉ lắng nghe để điều chỉnh tư duy, tiếp thu và học hỏi.

Sự trao đổi của chúng tôi, dựa theo kinh sách Phật giáo và thực chứng cá nhân, cộng với phép suy luận logic, quán tưởng và phân tích.

Bài “Cõi âm và khả năng ngoại cảm” có đoạn “Quan điểm của Phật giáo là thần thức sau khi chết tối đa là 49 ngày thì tái sinh vào một thế giới tương ứng với nghiệp thức.

Nếu đã tái sinh vào cõi khác thì “ai” tiếp xúc với các nhà ngoại cảm? Tại sao có những người chết cách nay hàng trăm năm vẫn tiếp xúc được với các nhà ngoại cảm? “Cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được nằm ở đâu trong lục đạo”.

Và ở đoạn khác:

Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sinh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục.

Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sinh.

Ngoài các thân trung ấm, những “oan hồn”, các nhà ngoại cảm còn tiếp xúc được với những chúng sinh trong loài Ngạ quỷ”

Ở đây, trường hợp đặc biệt cần lưu tâm là các “oan hồn”. Như đã nói những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết trong oán hận tột cùng rất khó tái sinh. Mặc dù phần lớn các luận sư Phật giáo đều cho rằng thời gian thích hợp cho tái sinh của thân trung ấm thường tối đa là 49 ngày nhưng “oan hồn” là một ngoại lệ”.

Khi đọc những nhận định trên, chúng tôi có 3 góc độ để trao đổi lại, dựa trên những sở cứ, như sau:

Thứ nhất, ở góc độ chính trị – khoa học xã hội và nhân văn, không phải là chúng tôi cố gắng chính trị hóa vấn đề tâm linh, nhưng khi nhận định như trên, tuy vô tình nhưng đã đụng chạm đến tình cảm, niềm tin của hàng triệu gia đình có người mất trong chiến tranh, loạn lạc, đói khổ, đặc biệt hơn trong đó có hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ.

Thời gian qua, ở nước ta rộ lên chuyện các nhà ngoại cảm, nổi tiếng nhất về thành tích của họ là tìm mộ liệt sĩ bằng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp “nói chuyện” với “linh hồn”, lẽ nào các liệt sĩ chỉ là các “oan hồn”?

Nhiều vị tu hành khi trao đổi với tác giả – Giới Minh, cũng bày tỏ băn khoăn về bài báo nêu trên.

Ở nước ta, sau nhiều cuộc chiến tranh, đã có hàng triệu người hy sinh, xả thân cho Tổ quốc khi cần, đó là những tấm gương sáng, “sống anh hùng, chết vẻ vang”.

Như vậy, ở góc độ xã hội và lịch sử, sự hy sinh của họ được ghi nhận xứng đáng.

Nếu đúng như kết luận của tác giả, nhà ngoại cảm chỉ nói chuyện được với các “oan hồn”, thì khi xảy ra chiến tranh, “chết cho Tổ quốc sống”, để mà trở thành các “oan hồn” thì ai còn dám hy sinh?

Lịch sử dân tộc ta là lịch sử chống ngoại xâm, dân tộc ta muốn hòa bình, nhưng các thế lực hiếu chiến cứ luôn đe dọa cuộc sống bình yên của xứ sở này, do vậy tinh thần xả thân vì Tổ quốc khi cần đã trở thành tính cách anh hùng trong huyết quản của người Việt mọi thời đại.

Nhận định như vậy, tuy tác giả vô tình, nhưng các gia đình liệt sĩ kể cả tin, hay không tin vào nhận định đó, họ sẽ không vui, hương hồn các anh không vui,…

Sau chiến tranh có hàng triệu người chết, nhiều trong số đó là của các anh hùng, liệt sĩ chưa biết hài cốt ở đâu, trong khi văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam rất trân trọng “chết có mồ, có mả”, “sống cậy nhà, chết cậy mồ”, hay “sống dù bôn ba, chết về quê nhà”…nên không chỉ Nhà nước mà nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã có rất nhiều công sức, tâm huyết của mình, trong đó có sự đóng góp lớn của giới ngoại cảm và những người có khả năng đặc biệt trong việc tìm mộ liệt sĩ qua nhiều hình thức, trong đó có hình thức ngoại cảm, hình thức gọi hồn, áp vong….

Thứ hai là ở góc độ thực chứng, chúng tôi trên tinh thần cầu thị và chiêm nghiệm, chưa đủ khả năng giác ngộ để kết luận, nhưng đã quan sát rất nhiều cuộc gọi hồn, trò chuyện đối thoại giữa nhà ngoại cảm, các thanh đồng và “hương linh” các liệt sĩ, đặc biệt hơn cả là qua phương pháp áp vong, mời vong các anh hùng liệt sĩ nhập vào người thân để chỉ cho biết hài cốt ở đâu, còn hay không….tất nhiên không phải lần nào cũng thành công, và cũng không phải “liệt sĩ” nào về cũng khai khẩu được.

Chúng tôi nhận thấy có một sự lạ? Gần như trên 90% “linh hồn” gia tiên mà trước đây chết do bệnh, chết già, do tai nạn, ốm đau,…qua phương pháp áp vong thì hành động đầu tiên khi nhập vào con cháu là khóc, sau đó mới khai khẩu và trò chuyện. Có “linh hồn” nhập về chỉ khóc và sau đó “thăng”.

Phải chăng lâu ngày gặp lại con cháu ở  trần gian, họ còn luyến nhớ nên khóc vui có, khóc nhớ nhưng, khóc tiếc nuối có?

Trong khi “linh hồn” các liệt sĩ nhập về rất ít khi khóc, họ nói chuyện rất lạc quan, thậm chí còn chủ động an ủi người thân đừng buồn phiền làm gì, tinh thần đồng đội của họ rất cao, có người về còn động viên người yêu đi lấy chồng, sao cứ ở mãi một mình vậy. Dấu hiệu như thế, theo chúng tôi chứng tỏ họ rất “giác ngộ” và “hoan hỉ”, sao lại có thể là “oan hồn”?.

Ở đây chúng tôi nói chung chung các liệt sĩ là “họ”, không nói riêng một vài trường hợp riêng lẻ.

Bạn đọc nào chưa tin những điều trên, xin mời đến các cơ sở áp vong để có thống kê, ghi chép và thực chứng quan sát, tự mình rút ra sự chiêm nghiệm.

Nhận xét nêu trên của chúng tôi là thực chứng khách quan, không “lái” vấn đề, để chính trị hóa nhận thức.

Chúng tôi tạm suy luận, vì chưa đủ sự giác ngộ để kết luận, nhưng những trạng thái đó của đa số “linh hồn” các liệt sĩ là những trạng thái rất lạc quan, vui vẻ và họ không tiếc nuối sự hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc, thì không thể nào là các “oan hồn”.

Lưu ý: Tôi có anh bạn, có mẹ là một cô giáo, do bị oan trong việc va chạm cuộc sống đời thường, bác đã thắt cổ chết (tự tử), bạn tôi đã nhiều lần qua nhiều thanh  đồng khác nhau, đi gọi hồn và không gọi được. Nhờ một vài nhà ngoại cảm “giao tiếp” cũng không thành. Bản thân tôi cũng chưa  hiểu vì sao?

Thứ ba: Trong Phật pháp coi việc bố thí thân xác, quên cả mạng sống (mạng sống là hy sinh thân xác, còn sự sống lại theo nghĩa khác) của mình vì Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, đồng bào là một trong những hình thức bố thí cao cả nhất. (1)

Ở góc độ kinh sách Phật giáo, trong nhiều quyển Kinh đã ghi chép cụ thể chuyện đức Phật lúc giảng giải Phật pháp, đã có vô số chúng sinh ở các cõi vân du, hội tụ để nghe giảng Kinh, các vị Bồ Tát, các đệ tử chứng đắc thần thông dùng khả năng của mình để biết được các “linh hồn” đang ở cõi nào, hay tái sinh vào cõi nào” là có.

Với người chứng đắc thần thông, có sự giác ngộ cao và có thể giao tiếp được với các “linh hồn” như vậy, thì có lý gì mà các nhà ngoại cảm lại không nói chuyện được với “linh hồn” – chúng sinh ở các cõi giới khác?

Đó là xét về mặt lý thuyết, thực tế để có thể nói chuyện được hay không, ta phân tích một ví dụ thông thường với 1 điều kiện cần và 4 điều kiện đủ, sau đây:

Điều kiện cần: Vì đây là cuộc trò chuyện giữa chúng sinh cõi hữu hình và chúng sinh ở cõi vô hình, nên đòi hỏi người đối thoại, nhà ngoại cảm có khả năng thần thông đến đâu, ở mức độ nào, đạo hạnh, mục đích cuộc “nói chuyện”….

Điều kiện đủ: Ví dụ, chưa nói là cuộc trò chuyện giữa cõi này và cõi kia (cõi ở đây cần hiểu theo cách phân loại của Phật giáo), mà ngay cùng một cõi Nhân (theo phân loại lục đạo), chẳng hạn ông A ở Việt Nam muốn nói chuyện với ông B ở Nam Phi, sự kiện đó muốn diễn ra cũng phải có các điều kiện:

Thứ nhất, ông A đóng vai trò chủ động khi muốn trò chuyện với ông B.

Thứ hai, ông A phải sang tận nơi gặp ông B, điều này còn phụ thuộc vào kinh phí, phương tiện đi lại, phiên dịch viên (nếu ông A và ông B không hiểu ngôn ngữ của nhau), thủ tục đi lại…trong trường hợp này dù rất khó khăn, nhưng xét về tính khả thi là có.

Trường hợp khác, ông A mà muốn nói chuyện với ông C (ở hành tinh X) cùng thuộc cõi Nhân như ông A, thì tính khả thi (đến thời điểm khoa học kỹ thuật hiện nay) là = không.

Thứ ba, sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp sức, trong trường hợp bỏ qua điều thứ hai, ông A và ông B có điện thoại, email…cũng có thể liên lạc được với nhau.

Thứ tư, dù các điều kiện trên là đủ, nhưng ông B không muốn nói chuyện với ông A thì cuộc nói chuyện cũng khó diễn ra.

Hiểu như vậy, chúng ta cũng thông cảm hơn cho các nhà ngoại cảm, khi muốn trò chuyện được với chúng sinh cõi giới khác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đâu phải cứ đơn giản muốn là được, có kinh phí nhờ họ như kiểu thuê nhân công là xong, kết nối nói chuyện được thì khen là tài năng, không được thì lại chê bai không có khả năng…

Trở lại vấn đề, ở cả 2 bài báo nêu trên, có những nhận định giống nhau như: “Quan điểm của Phật giáo là thần thức sau khi chết tối đa là 49 ngày thì tái sinh vào một thế giới tương ứng với nghiệp thức. Nếu đã tái sinh vào cõi khác thì “ai” tiếp xúc với các nhà ngoại cảm?

Còn nữa…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*