YOGA VÀ TỰ DO TƯ TƯỞNG

“Đừng tin vào kinh sách cổ viết bằng tay, đừng tin vào một điều mà dân tộc mình tin, hay làm mình tin từ thuở nhỏ. Đối với tất cả mọi điều, đều phải áp dụng lý trí. Sau khi phân tích nếu thấy rằng những điều ấy tốt cho mọi người và cho mỗi người, thì hãy tin nó, sống cho nó, và hãy giúp cho người khác cùng sống như vậy”. LỜI CỦA ĐỨC PHẬT.

NGƯỜI TA HƠN LOÀI VẬT LÀ Ở CHỖ BIẾT TƯ DUY, BIẾT SUY NGHĨ. Và nhờ có biết tư duy, biết suy nghĩ nên mới có sự tiến bộ. Nhưng biết tư duy, biết suy nghĩ cũng chưa đủ, mà lại phải cần có TỰ DO TƯ TƯỞNG nữa, không có tự do thì cái gì cũng phải chết chứ đừng nói đến con người. Một cái cây non mới vừa mọc lên, ta cần phải có những cành cây bao chung quanh để bảo vệ, nhưng khi cây đã lớn rồi thì sự bảo vệ không còn cần thiết nữa, mà trái lại nó còn là một trở ngại cho sự trưởng thành của cây.

Một đứa trẻ con nhà giàu, đi học đều có người đưa đón, mỗi một bước đi đều có người chỉ dẫn, vì vậy đứa trẻ ấy sẽ bị mất tự do và thiếu óc quan sát. Nếu hôm nào người đưa đón đến trễ hay không đến, thì hoặc là khóc, hoặc đi lạc đường, hoặc bị tai nạn.

Sự tự do cần thiết cho con người, vì có tự do nên mới có tư tưởng dị đồng, và có sự dị đồng tư tưởng nên người ta phải suy nghĩ đễ tìm ra ý mới. Chính vì vậy mà ta cần phải tôn trọng những ý kiến của người khác, ý kiến ấy có khi là không hợp lý hoặc không đúng, nhưng cũng có thể giúp cho người khác tìm ra một ý mới hơn, đúng hơn.

Tự do tư tưởng quan hệ đến sự tiến bộ của con người, nếu như có một ai đó nói với chúng ta rằng tất cả các quá khứ đều đúng, đều đầy đủ, đều tốt đẹp…và chúng ta không nên có những tư tưởng mới, mà trái lại chúng ta phải hành động theo những quan niệm do tiền nhân để lại, thì chắc chắn là chúng ta sẽ phản đối và cho rằng người phát ngôn đó là một người vô trách nhiệm hoặc là một người tâm thần.

Mỗi người, tùy theo trình độ tri thức của mình, sẽ hiểu một cách khác nhau. Có người cho rằng chính vì sợ hiểu sai nghĩa nên mới có người chuyên môn nghiên cứu tôn giáo để giảng lại cho đúng những lời của đấng giáo chủ, những người chuyên môn ấy người ta gọi là ông thầy tu. Nhưng ta có chắc rằng những ông thầy tu ấy có hiểu đúng nghĩa không? Ông thầy tu cũng là một người có những ưu điểm và khuyết điểm như người khác và cũng có ông giỏi, ông dốt. Gặp phải ông thầy tu dốt thì nguy vô cùng.

Chính vì biết rằng trong tương lai có người sẽ hiểu sai những giáo lý, nên khi sinh thời Đức Phật đã cho người ta một cái thước đo ” Đừng tin vào kinh sách cổ viết bằng tay, đối với tất cả mọi điều đều phải áp dụng lý trí, và chỉ tin những gì tốt cho mọi người và mỗi người”. Lời giảng của Đức Phật bao hàm một sự khuyến khích tự do tư tưởng. Đức Phật không bảo con người tin tưởng mù quáng, mà trái lại chỉ tin tưởng sau khi đã thấu hiểu vấn đề một cách rõ ràng, thấu đáo.

Theo triết học YOGA, bản chất của con người thuộc về thượng đế nên có những quyền năng vô biên. Bản chất ấy hiện nay trong mỗi người đều đã bị THAM, SÂN SI che mờ, vì vậy mà con người không thấy được bản chất thật của họ. Bản chất chính của con người được Phật giáo gọi là Tâm phật.

Tâm Phật cũng có thể ví như đáy hồ, và những làn sóng lăn tăn trên mặt hồ là THAM, SÂN, SI. Vì mặt hồ luôn luôn bị gợn sóng, nên nước bị vẩn đục và người ta không trông thấy đáy hồ. Muốn trông thấy đáy hồ, muốn tâm phật xuất hiện, điều trước tiên là phải diệt được tham, sân, si. Và phương pháp diệt tham, sân, si hữu hiệu nhất đó là THIỀN ĐỊNH.

Nếu như con người làm chủ được tương lai của mình, và thông qua phương pháp thiền định tìm thấy ông chủ bên trong của mình, thì còn thờ Phật để làm gì nữa? Và giáo lý của Phật cũng đã nói rõ. “PHẬT KHÔNG PHẢI LÀ MỘT ÔNG THẦN ĐỂ BAN PHƯỚC”. Phật là một người đã giác ngộ, đã thoát khỏi vòng sinh tử, luân hồi. Phật chỉ dẫn cho thế gian lại con đường mà ngài đã đi qua, và khuyên mọi người hãy tự giải thoát lấy mình. Vậy chúng ta thờ Phật để làm gì?

1/ Trước hết để tỏ lòng tôn kính người đã tìm ra chân lý tối thượng.
2/ Để luôn luôn ghi nhớ đến lời chỉ dạy của ngài mà noi theo.

Cho nên người tu tại gia cũng có thể thành chánh quả nếu tu theo lời Phật dạy.

Và tôi cũng xin được chia sẻ một chút cùng quý vị được gọi là phật tử.
– Phật không phải là một vị thần, nhận lễ vật, để rồi sẽ ban phước cho người đó, hoặc trị tội một người nào đó nếu người đó không đi cúng chùa.
– Đừng đem tiền cúng vào chùa để cầu phước, để được phước… làm như thế là phỉ báng Phật. Phật không chấp nhận việc này đâu.
– Phước, tội…tự mình làm, tự mình chịu. Đức Phật không bao giờ can thiệp vào việc này. Nếu đức Phật làm được việc này, thì đó không phải là đức Phật.
– Suy ra cho cùng, việc đem tiền cúng vào chùa để cầu được phước…Đây không phải là lỗi của chúng ta, mà là lỗi của người tuyên truyền đường lối phật pháp hoàn toàn sai lệch từ nhiều thế kỷ trước cho đến bây giờ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*