ĐỀ PHÒNG KHẢ NĂNG TỰ SUY THOÁI CỦA ĐẠO PHẬT.

“Với PGVN, nếu không ngăn chặn cái đà này, và theo cách nhìn vấn đề như [dưới đây] thì khả năng xuống cấp đi dần tới tự hủy diệt của Phật giáo Việt Nam là một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một tương lai gần.”

Huệ Minh toát lược từ bài của tác giả Trần Văn Chánh theo nguồn “Văn hóa Phật giáo” (số 144 – 145). Trân trọng tri ân Tác giả và Ban Biên Tập “Văn hóa Phật giáo”.

“Là người Phật tử, hoặc cảm tình viên của Phật giáo, không ai thích nghe bàn về chuyện Phật giáo có thể bị suy thoái, bị hủy diệt, bằng bất cứ kiểu gì. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản dựa trên luật vô thường chuyển biến hay cái lý “thành trụ hoại không” của nhà Phật, thì bất cứ sự vật nào trên thế gian đã có thành tất phải có hoại, và cuối cùng đi đến chỗ diệt vong hoặc biến đổi sang trạng thái khác hẳn.

Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2005 cho thấy Việt Nam chỉ có gần 10 triệu tín đồ Phật giáo; nhưng số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận cả nước có gần 45 triệu Phật tử, chiếm phân nửa dân số; có hơn 14.000 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường; khoảng gần 50.000 Tăng Ni; trên 800 đơn vị Gia đình Phật tử. Báo chí, sách vở Phật giáo cũng được xuất bản ngày một thêm nhiều.

Dựa trên các con số thống kê đơn thuần trên, Phật giáo Việt Nam đang hưng thịnh. Nhưng, nhìn sâu hơn để đánh giá thực trạng Phật giáo Việt Nam, thì sự phát triển về hình thức Giáo hội và số lượng Tăng Ni, Phật tử chưa phải là yếu tố căn bản đủ để nói lên thực chất của vấn đề.

Cũng sẽ có những quan điểm đánh giá rất khác nhau tùy theo việc chú trọng đến bề nổi hay quan tâm đến thực chất nội dung sâu sắc từ bên trong.

Vì thật ra, phẩm chất của đạo Phật chính là sự giác ngộ và tu chứng nhiều hay ít trong hàng ngũ xuất gia, bên cạnh sự thăng tiến về đạo đức, niềm tin, và trí tuệ được thể hiện trong đời sống hàng ngày của hàng Phật tử tại gia, chứ không phải có thật nhiều tự viện với số lượng nhà sư đông đảo, hoặc có thật nhiều nhà sư trẻ đỗ được các cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ du học trở về.

Nếu chú trọng đến sự phát triển thực chất, không ít ý kiến cho rằng hiện nay về cơ bản Phật giáo Việt Nam đang phát triển tốt nhưng cũng có một số dấu hiệu suy thoái khá đáng lo ngại, biểu hiện qua lối sống thực tế của một số Tăng Ni.

Do phải tổ chức thành Giáo hội để hoạt động, với tôn ti phẩm trật cao thấp, nên nếu không cẩn thận đề phòng bằng việc nghiêm giữ giới luật, sẽ dễ phát sinh hiện tượng suy thoái đạo đức vì quyền lực ở những người giữ các chức vụ cao. Điều này tương tự như hiện tượng suy thoái đạo đức vì quyền lực thông thường của các cấp lãnh đạo trong mọi chính quyền ở hầu khắp các nước dân trí còn thấp và chưa có được một nền dân chủ chín muồi.

Mặc dù có giới luật ràng buộc, nhưng nếu hệ thống kiểm soát sự chấp hành không nghiêm từ trên xuống dưới và người trên không làm gương tốt cho kẻ dưới noi theo thì Tăng Ni cũng dễ vi phạm giới luật, sống không đúng truyền thống của đạo Phật, tạo nên những hiện tượng tiêu cực na ná như trong xã hội đời thường.

Trong điều kiện cần đề phòng suy thoái như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam dường như vẫn chưa có một giải pháp căn bản nào để ngăn chặn kịp thời và hữu hiệu, vì thế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khả năng có chuyện lạm quyền và thu vén cá nhân, hoặc kéo bè kết cánh, ở nơi này nơi khác.

Nhiều Phật tử được biết, không phải là không có chuyện khi Giáo hội Trung ương xuống công tác hoặc kiểm tra, một số thầy ở địa phương nào đó cũng tập nhiễm thói quen đãi đằng trọng hậu để lấy cảm tình cấp trên nhằm che giấu những thành tích còn hạn chế hoặc thậm chí bất hảo của mình.

Thực tế cho thấy một số Tăng Ni đang có khuynh hướng coi trọng việc xây chùa to, dựng tượng lớn, phát triển cơ sở vật chất mang tính hiện đại, mà coi nhẹ thanh quy và việc hoằng pháp.

Những năm gần đây, nhiều lễ hội mang màu sắc Phật giáo có khuynh hướng mê tín rõ rệt, bị một số chùa lạm dụng trục lợi trắng trợn, tạo nên những hình ảnh lệch lạc khó coi bị cả dư luận xã hội lên án, làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín chung của Phật giáo.

Cũng đã có vị Tôn túc phê phán một số Phật tử đến viếng chùa không vì động cơ tu học mà chỉ vì lòng tham, tin vào sự cầu cúng có thể mang lại cho mình được nhiều phước lộc và cho rằng đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Phật giáo suy đồi, vì có cầu thì phải có cung, khiến nhà chùa phải thực hành những nghi thức cầu cúng mê tín.

Trong cộng đồng những người theo đạo Phật, vẫn còn một số biểu hiện mất đoàn kết, tồn tại không ít những mối mâu thuẫn và tranh chấp giữa những nhóm đạo Phật khác nhau, hoặc giữa đạo Phật với các tôn giáo khác, theo tinh thần “bài xích dị kỷ”, chống lại những kẻ khác mình, công khai hoặc ngấm ngầm.

Bệnh chuộng hư danh và phô trương hình thức khá phổ biến hiện nay là một chứng bệnh nguy hiểm, tạo nên ảo giác lạc quan về sự phát triển bề ngoài khiến người ta càng xa dần với nỗ lực sống đạo.

Cũng có vị Tôn túc sau khi quan sát nhiều nơi ở nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng tại những nơi Phật giáo được chính quyền ủng hộ thì Giáo hội phát triển mạnh nhưng thiên trọng về cơ sở vật chất hơn là sự tu chứng. Trái lại, hiện tượng tu chứng đã được ghi nhận nhiều hơn chính tại những nơi chịu cảnh trái nghịch, không đạt được những điều kiện thuận lợi bề ngoài như thế.

Ở Việt Nam, giả định có khuynh hướng một số nhà chức trách nào đó, do quan niệm thiếu chuẩn xác, chỉ muốn coi Phật giáo như một lực lượng có lợi cho mình về phương diện chính trị mà can thiệp hơi sâu vào hoạt động của Giáo hội, thì đó chẳng những không phải là cách tốt nhất giúp Phật giáo phát triển đúng hướng một cách tự nhiên mà còn có thể vô tình là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho đạo Phật suy đồi, khó giữ được tính độc lập với bản sắc vốn có.

Giả định một số biểu hiện tiêu cực như mô tả ở trên vẫn tiếp tục kéo dài và lan rộng mà không có cách gì ngăn chặn kịp thời thì cái xấu sẽ phát triển dần đến mức khó kiểm soát, Phật giáo Việt Nam chắc chắn phải có hồi suy tàn, dù không hoàn toàn giống như hiện tượng suy tàn của đạo Phật tại Ấn Độ ngày trước.

Về các nguyên nhân được nêu ra, hiện có rất nhiều bài viết phân tích của các Tăng nhân, học giả, ý kiến còn nhiều chỗ phân vân, dị biệt, nhưng chung nhất vẫn có sự thừa nhận rằng nguyên nhân quan trọng nhất là đời sống trụy lạc của giới Tăng sĩ.

Quan điểm chung của các học giả Ấn Ðộ cho đó là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống đạo đức và tâm linh của giới tu sĩ Phật giáo, Tăng cũng như Ni.

Đức Dalai Lama nói: ‘Không có gì xảy ra bởi một nhân tố. Ba nguyên nhân làm Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ đó là: “Một là, những thí chủ ủng hộ các thiền viện ngày càng có xu thế xa rời truyền thống Phật giáo. Hai là, những tác động từ bên ngoài như Hồi giáo và các lực lượng khác, họ ra sức tiêu diệt Phật giáo. Ba là, và quan trọng là, các thiền viện và bản thân chư Tăng trở nên rất giàu, tích trữ nhiều tiền vàng và của cải, lại thêm tửu sắc. Những việc đó đã xảy ra. Do đó dân chúng không còn tôn kính, thậm chí khinh rẻ, mất lòng tin chư Tăng.”. “Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không tu hành tốt, không giữ gìn giới luật, thì tôn giáo chúng ta trở thành giả dối, đồi bại. Đây là sự thật!”.

Ý kiến của Dalai Lama như trên thật đáng để mọi người tham khảo suy ngẫm, đem soi chiếu một cách hữu ích cho hiện trạng của Phật giáo Việt Nam.

Pháp sư Tịnh Nhân mô tả: “Các hội Phật giáo Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức khốc liệt do cải cách thị trường, hiện đại hóa và mở cửa gây ra. Từ cái nhìn bên ngoài, dường như các chùa viện bây giờ đang đóng chức năng “những cỗ máy làm tiền”. Từ cái nhìn bên trong, nhiều Tăng Ni đã dành quá nhiều thời gian và năng lực vào việc kiếm tiền và hưởng thụ trụy lạc, dành quá ít thời gian, hoặc không có thời gian để tu học và giảng dạy Phật pháp”.

“Một số không nhỏ Tăng sĩ không kiên định với tôn giáo của họ, coi khinh giới luật và tu tập. Những người này đang săn đuổi tiền tài và danh vọng, sống một đời sống xa hoa và đồi bại. Nếu điều này không được ngăn chặn, nó chắc chắn làm nguy hại đến tiền đồ Phật giáo”

Với PGVN, nếu không ngăn chặn cái đà này, và theo cách nhìn vấn đề như trên, khả năng xuống cấp đi dần tới tự hủy diệt của Phật giáo Việt Nam là một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một tương lai gần.

Để đề phòng khả năng suy sụp về chất, bảo vệ uy tín cho cộng đồng, gây lại niềm tin cho dân chúng nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng, GHPGVN cần tự cải tạo hình ảnh bằng cách làm trong sạch mình hơn nữa thông qua công tác bầu chọn, bổ nhiệm nhân sự, và tăng cường kỷ luật mạnh mẽ hơn nữa để có thể đưa ra khỏi hàng ngũ những người vi phạm quá nhiều giới cấm, đặc biệt là đối với một số phần tử quá xấu, cố ý lợi dụng lớp áo nhà tu để trục lợi, mượn đạo tạo đời.

Đạo Phật Việt Nam với những biểu hiện biến tướng không lành mạnh của nó ngày một gia tăng trong vài chục năm gần đây, cũng là một hình thức của sự suy đồi từ bên trong, thật rất đáng lo ngại và cần phải nhanh chóng ra tay cứu chữa càng sớm càng tốt. Công việc hệ trọng đó đòi hỏi sự đoàn kết quyết chí một lòng cùng sự kiên trì của toàn thể Tăng Ni Phật tử, mới có thể làm được./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*