NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA BÁC SĨ PHẠM DOÃN LUYỆN

“Rồi ngày mai ấy em đi dạo

Sẽ thấy hồn ta trên cỏ xanh…”

 

Đã bao lâu rồi, có lẽ khoảng 6-7 năm nay anh tôi không còn làm thơ hay viết tùy bút nữa, từ năm 2008 anh đã close hết tất cả những bài viết có tính chất tình cảm, thay vào đó là những nghiên cứu chuyên đề về Phật giáo, tư tưởng, thần học và các topic khoa học. Bất chợt một ngày mùa hạ, tháng 05/2014, tôi nhận được lời comment của anh trên trang FB của tôi là 2 câu thơ trên, có lẽ chỉ đơn giản là vì bức ảnh tôi chụp bãi cỏ xanh lác đác những xác lá nâu khô đã gợi cho anh một sự liên tưởng… Tôi không biết anh đã làm 2 câu thơ ấy từ khi nào, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên, vì đã lâu lắm rồi tôi không thấy anh làm thơ nữa, và hầu như anh tôi không bao giờ comment những chủ đề có chất romantic. Và trong 1 các entry từ giã bạn bè FB, anh đã post 2 câu thơ này, rất dung dị mà đầm đẫm nỗi buồn…

 

Cách đây đúng 2 tuần, tôi đến thăm anh, sửng sốt trước đôi mắt và nước da màu nghệ, bụng anh to một cách khác thường. Khi ấy anh vẫn tiếp tục khám bệnh ở phòng mạch tại nhà. Liên tiếp những ngày sau, đều đặn tôi qua thăm anh, anh vẫn nói một cách hăng say về các vấn đề tôn giáo và mặt trái của  những tiến bộ y học hiện nay. Anh bảo với chúng tôi rằng “Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện 1 vị đại sư với năng lực phi thường, đó chính là Ngài Google”. Anh nói và cười hề hề một cách tếu táo như anh vẫn thường như vậy. Sau đó, khi  có mặt đầy đủ, chúng tôi trao đổi với anh một cách nghiêm túc và cụ thể về ý nguyện của anh nếu chẳng may anh không qua khỏi lần này, đấy là tang lễ sẽ không mời Sư đọc kinh, không hộ niệm, chỉ cần cho anh nghe các em  hát, nghe nhạc vào đêm cuối cùng giống như đám tang của bố tôi là đủ, và hài cốt của anh sau khi hỏa thiêu sẽ được rải vào lòng đại dương…Còn nếu như anh may mắn bình phục thì sẽ đưa anh lên một nơi thật cao, có không khí trong lành để anh dưỡng sức và thực hiện những công việc còn dang dở.  Ngay lúc ấy tôi đã linh cảm rất xấu. Cầm trên tay lá số Tử vi của anh, của con gái Thiên Lương và của chính minh, tôi đoán đến 90% là anh sẽ ra đi trong tháng 9 âm lịch này và ngày 30/10 DL sẽ là ngày xấu nhất ! Có thể nói tôi đã bàng hoàng đến run rẩy khi tất cả các hướng luận đoán kết hợp đều cho ra lời giải tệ hại nhất ! Tôi đã thông báo cho gia đình mình về cái ngày 30/10 tức 7/9 AL rất đáng sợ này. Và ngay cả giờ xấu nhất trong ngày tôi cũng đã đoán trước. Như vậy chắc rằng đó là “lập trình” của phần mềm cuộc đời, không thể sửa được, như anh đã thường xuyên nói với tôi như vậy nhiều năm về trước! Xưa kia, anh tôi cũng đã từng nghiên cứu sâu sắc bộ môn Kinh Dịch và Tử vi, cũng từ đấy mà tôi đã ảnh hưởng bởi anh trai mình. Tôi nhận ra mình đã đi dưới cái bóng của anh suốt thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Hơn 2/3 tư tưởng, sở thích của tôi là rập khuôn theo anh, 1/3 còn lại tôi không theo anh được vì không có đủ năng lực và trí tuệ như anh.

 

Tôi đến thăm anh lần đầu tiên khi nghe báo anh bệnh nặng là ngày thứ sáu 17/10. Sáng Chủ nhật có khá nhiều bạn hữu đến thăm, anh vẫn ngồi tiếp chuyện và nói hăng say. Tối đó anh mệt nhiều, hàm và các ngón tay có dấu hiệu co cứng. Sáng thứ ba chúng tôi đến khá đông đủ Chí, Hà, Hồng, Luân, và cũng trong buổi sáng hôm ấy chúng tôi hỏi ước nguyện của anh nếu như anh qua đời. Buổi trưa con rể Khoa chở anh đi làm xét nghiệm máu và siêu âm, nhìn dáng anh đi liêu xiêu, bước lên xe một cách khó khăn, tôi chạnh lòng… Trưa hôm đó anh mệt lả và không còn nói chuyện được nữa, anh cho các con treo bảng tạm nghỉ Phòng mạch. Ngày thứ tư  22/10 có kết quả thử máu, số virus gan B quá cao, tuy nhiên anh lại ăn uống có vẻ tốt hơn mấy hôm trước.  Hôm ấy thùng sữa đặc biệt giành cho bệnh nhân gan có giá gần 8 triệu VND được chị Hà order từ Mỹ về đến nhà anh, mỗi tuần lễ chỉ được dùng 2 gói, và anh bắt đầu uống sáng hôm đó.

 

Trong 2 ngày 22 và 23/10 bụng anh chướng to hơn và các cơn đau cơ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Sáng thứ sáu 24/10 chúng tôi đưa anh đi khám tại Viện Gan của BS. Đỗ Đại Hải là một đồng môn của anh. Khi về nhà anh gần như kiệt sức, nằm thiêm thiếp, mọi người phải massage cho anh liên tục ở phần lưng. Từ Viện Gan của Bs. Hải trở về, Thiên Lương mất tinh thần thấy rõ, cháu gọi điện thoại cho cô Vân ở California trong tiếng nức nở. Khi ấy tôi ý thức rằng anh chỉ còn không đến 5% cơ hội sống, nếu có thì điều đó chỉ có nghĩa là sự mầu nhiệm mà thôi. Anh kiểm tra tất cả toa thuốc của Bs. Hải và nói “Trước giờ anh chưa hề diệt 1 con virus nào cả. Đây là bọn ở trọ trong cơ thể anh mà bây giờ chúng nó quậy phá quá. Lần này ông Hải dội bom tụi nó !”. Chúng tôi bắt đầu truyền Albumin cho anh dưới sự hướng dẫn của anh, chuẩn bị sẵn thuốc chống shock. Anh ngủ không yên vì đau, có lúc complain “Cả nhà chẳng đứa nào biết massage ra trò…!”. Chúng tôi điện thoại cho Sơn, thằng em cận út, sang đấm bóp cho anh. Anh có vẻ hài lòng. Mệt, đuối sức lắm nhưng anh vẫn lâu lâu thò tay tự điều chỉnh mức độ truyền dịch, giống như anh đang chăm sóc cho bệnh nhân của mình, và anh yêu cầu đi mua cho anh chiếc xe lăn vì anh cảm thấy không thể tự di chuyển được nữa. Xế chiều, BS. Thông gọi điện thuyết phục anh nhập viện BV. Đại học Y Dược.  Khuya hôm ấy chúng tôi phải cắt thêm người ngủ lại với anh. 12 giờ khuya anh thức dậy và tự mình xuống bếp đun nước pha cà phê!

 

Sáng ngày thứ bảy 25/10 anh có vẻ tỉnh táo và khỏe hơn. Gia đình 6 người đưa anh vào viện. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng anh ngồi trên xe lăn để di chuyển trong bệnh viện. Suốt ngày thứ bảy và CN anh tuy mệt nhiều nhưng không có dấu hiệu quá tệ, đặc biệt anh rất ít ngủ, ăn càng ngày càng kém… Chiều ngày CN có bạn hữu vào thăm, anh trao đổi khá nhiều và cười thật tươi. Thật sự ít có ai nghĩ rằng anh đang bệnh rất nặng trừ những người trong gia đình và các bác sĩ điều trị. Tối hôm đó anh đột nhiên bị lạnh và đến khuya thì khó thở gần như ngất xỉu. 23h30 ngày CN 26/10 tôi nhận điện thoại của cháu Thiên Lương từ BV… tôi thật sự hoảng hốt đến mức mất bình tĩnh, khóc nức nở trên ĐT gọi cho anh em, bạn bè, những người mà tôi tin rằng có năng lực trong việc cầu nguyện. Lúc ấy tôi chỉ biết cầu nguyện sao cho anh đừng ra đi trong đêm, khi bên cạnh chỉ có 1 đứa con gái yếu đuối… Cuối cùng thì anh cũng được bình an qua hết đêm nhưng đã phải thở oxy. Theo lịch điều trị, sáng hôm sau tức thứ hai 27/10 anh sẽ được nội soi thực quản và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết. Thấy anh yếu nhiều, tôi hỏi “Anh Luyện có chịu nổi nội soi không?”, anh gật đầu Ok. Nhưng phải nói rằng anh gần như bất tỉnh lúc nội soi vì đau đớn. Khi trở về phòng, anh nói thật nhỏ nhưng rõ ràng “ Không ai có thể vừa hít lại vừa le, hay vừa phùng lại vừa há. Ngáng họng không cho ngậm lại mà yêu cầu người ta nuốt, thật là dốt và vô lý! Phải cho 1 thằng nằm xuống rồi thằng kia nhét vào thì tụi nó mới hiểu được bệnh nhân phải chịu đựng như thế nào”. Chúng tôi cười trước sự hài hước mà rất thật của anh. Bây giờ ngồi đây viết lại những dòng này, tôi hy vọng có không ít người trong ngành Y đọc thấy và thông cảm. Bản thân tôi đã tìm hiểu và biết rằng ở bên Mỹ và các nước tiến bộ khác khi tiến hành nội soi thì bệnh nhân được gây mê. Riêng ở VN, có lẽ do phẩm chất “dũng cảm từ ngàn xưa của nhân dân ta” nên ngành Y không nghiên cứu việc gây mê trong quá trình nội soi.

 

Trưa ngày thứ hai 27/10 Giáo sư BS Lê Minh đến thăm nhưng anh vào toilet quá lâu, BS. Lê Minh chậc lưỡi, hiện tượng đi vệ sinh một cách khó khăn như thế này cũng đáng lo ngại. Lúc ấy anh vẫn có thể tự kiểm soát và không cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Chờ anh không được, BS. LM phải đi vì đến giờ giảng. Anh trở về giường mệt lả. Đêm hôm đó kíp điều trị cho thực hiện rất nhiều các xét nghiệm cấp tốc và tăng cường thuốc đặc trị

Trong 2 ngày thứ hai và thứ ba, cân lượng anh tiếp tục tăng do anh không thải nước ra khỏi cơ thể được. Do có dấu hiệu nhiễm trùng nên anh phải truyền kháng sinh ổ bụng và tăng cường Albumin lên 2 chai/ngày.  Anh kêu mệt tim, trống ngực mạnh, và có BS từ khoa Tim mạch sang thăm khám. Lúc này các cơn đau cấp tập hơn và chúng tôi không ngừng xoa bóp cho anh toàn thân. Hầu như lúc nào cũng có 4 người chăm sóc.Anh không ăn uống gì được nữa, chỉ có dùng sữa đặc biệt mà thôi. Tuy nhiên anh vẫn tự di chuyển vào toilet, chỉ cần người dìu, không cần xe lăn, và có thể ngồi ghế trong vòng 5-10 phút.

 

Sáng ngày thứ tư 29/10 tôi được báo anh bị xuất huyết nhãn cầu, chân răng và khạc ra máu. Linh tính rằng anh gặp chuyện chẳng lành, tôi hộc tốc vào BV. Trông anh thật thảm thương với đôi mắt 2 màu vàng và đỏ ! BS quyết định truyền huyết tương cho anh. GS. Lê Minh vào thăm, khám và nghe mạch cho anh, rất ân cần và trìu mến. Tôi nhận ra sự xúc động và lo lắng trong ánh nhìn của anh Lê Minh. Tôi ở BV đến khoảng 13g, lúc ấy anh vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường dù khá yếu. Cùng lúc đó BS. Thông vào thăm, trấn an chúng tôi, rằng anh vẫn có hy vọng điều trị có kết quả.  Khoảng hơn 6g chiều anh đi tiêu tại chỗ, rất nhiều, và bị tuột oxy, bất tỉnh phải cấp cứu. Trước lúc chuyển vào Phòng Hồi sức Cấp cứu anh còn bảo bóp lưng cho anh và hoàn toàn tỉnh táo. Trên đường vào Phòng Hồi sức, chị Hà niệm kinh A Di Đà, anh khoát tay bảo “chưa đến lúc!”. 20g cả gia đình 14 người có mặt tại phòng đợi trước cửa Phòng HSCC nhưng được yêu cầu ra về. Kể từ lúc ấy anh bị cách ly với người thân, và chúng tôi vẫn hy vọng rằng anh được chăm sóc một cách tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Mọi người ra về sau khi gởi vào cho anh tả giấy và khăn ướt, cũng như để lại 2 số ĐT liên hệ. Đêm hôm ấy cả gia đình thao thức vì lo lắng. Riêng tôi vẫn bị ám ảnh bởi ngày 30/10 DL là ngày rất xấu đối với anh.

 

Sáng sớm 6g ngày thứ năm 30/10/2014 vợ, con gái, và em trai út vào thăm anh, lúc này anh đang được đặt ống dẫn dịch từ bao tử vì đã bị xuất huyết bao tử. Anh nói với em trai “Cơ bản là đau cái lưng!” và nói với con gái đưa anh ra khỏi Phòng HSCC trờ về phòng ngoài. Nhưng yêu cầu của anh không được chấp thuận vì lý do SK của anh.

 

07g, sau khi mọi người vừa ra về thì BV báo cho người nhà trở lại hội ý, họ thông báo anh bị suy hô hấp nặng và đề xuất đặt ống thở cho anh, nếu đồng ý thì người nhà ký tên chấp thuận. Chúng tôi hội ý với nhau, đồng thời hỏi ý kiến của chính anh, tất cả đều “say No”. Khi vừa nhìn thấy con gái, anh chụp lấy bàn tay con một cách vội vã và mừng rỡ, anh nói “Đi về!”. Ánh mắt của anh đã thể hiện sự cô đơn trong đau đớn và tuyệt vọng của anh như thế nào trong suốt một đêm tại Phòng hồi sức …Thế là chúng tôi đã hiểu và chấp nhận sự chia tay đau xót với người mà chúng tôi yêu thương. Từ 7g sáng chúng tôi phải chờ Bác sĩ đến 9.30g để được ký y lệnh cho xuất viện. Tôi tự hỏi, tại sao Phòng HSCC mà lại phải chờ đợi  bác sĩ như vậy? Thế rồi cuối cùng BS cũng đến, Ok vấn đề xuất viện, nhưng chúng tôi lại phải chờ đợi thủ tục xuất viện. Thủ tục này chẳng qua là việc tính  toán viện phí mà thôi. Tôi thật sự không hiểu nổi tại cái BV hiện đại nhất Sài gòn này phần mềm quản lý được cài đặt thế nào mà để bệnh nhân sắp chết phải chờ đợi đến gần 2 tiếng đồng hồ mới ra được cái hóa đơn viện phí. Chúng tôi là những người khỏe mạnh mà còn đuối sức và thiếu kiên nhẫn khi phải chờ đợi, huống chi anh tôi đang ngáp không nổi, sự sống chỉ còn tính bằng giây và đang mong chờ gặp mặt người thân lần cuối. Một điều rất ư buồn cười (cười trong nước mắt) là hóa đơn còn tính thừa 2 chai Albumin trị giá gần 2 triệu!!! Nếu không kiểm tra lại cả 4-5 trang bảng kê dài dằng dặc đó thì không biết khoản chênh lệch này sẽ đi về đâu…? Cháu tôi xuống đóng viện phí, xếp hàng dài rồng rắn… 15 phút trôi qua, cuối cùng BV đồng ý cho anh tôi xuất viện trước khi đóng tiền. Có lẽ đó là “nghĩa cử” giành cho “người nhà bác sĩ” chăng?

 

Khoảng 11.45 anh được đẩy từ Phòng HSCC ra, chúng tôi 3 đứa –tôi, em trai út và con gái anh, đón lấy anh như đón lấy một ân huệ cuối cùng mà cuộc sống giành cho anh em chúng tôi. Mặt anh đã chuyển sang màu nâu tím và khô quắt lại, 2 chân đã chết từ đầu gối trở xuống, lạnh ngắt và xanh như tàu lá. Vừa nhìn thấy chúng tôi anh giật phăng tất cả các dây nhợ ràng rịt trên miệng, nhân viên BV cản lại nhưng chúng tôi quyết định làm theo anh, chúng tôi hiểu anh muốn nói. Anh nói bằng giọng thều thào và méo lệch “Hôn ba đi.. Hôn anh đi..!!!”. Cả 3 đứa nhào đến anh trong tiếng gào khóc thất thanh. Tôi đặt môi mình trên đôi má lạnh ngắt của anh. Trái tim tôi như có mũi dao lách vào thật sâu. Tôi ý thức rằng cái giờ phút đang sợ ấy đã sắp đến. Trên thang máy tôi nói vào tai anh lắp bắp …“Bác sĩ Luyện, bác sĩ Luyện, anh can đảm lắm mà, anh luôn luôn can đảm mà, cố lên anh, mình sắp về đến nhà rồi…”. Tôi sợ anh không thể giữ nổi hơi thở để về trong vòng tay của người thân. Tôi hoảng loạn gọi DT cho người nhà, dặn tất cả hãy có mặt vì anh suy kiệt lắm rồi. Mạng sống của anh đang treo trên đầu sợi tóc!  Trên xe Ambulance  họ phải bóp bóng để giữ hơi thở cho anh. Thế nhưng anh vẫn còn đủ sức dùng tay rút hết sợi dây dẫn dịch và máu  từ mũi ra. Tôi khóc ngất sờ bàn chân anh, sự sống chỉ còn ở phần trên bụng.

 

Xe về đến nhà 12 giờ trưa. Mọi người vội vã đưa anh vào đặt anh nằm trên chiếc giường  vẫn dùng cho bệnh nhân của anh. Cả nhà gần 10 con người nhào đến ôm anh, anh còn ra dấu cho biết hãy dang ra cho anh thở. Người của BV định đặt oxy trở lại nhưng anh dứt khoát từ chối. Thế rồi anh bảo đỡ anh ngồi dậy. Tôi thấy anh thật vững vàng,  dõng dạc ra lệnh “bảo người ngoài bước ra hết, chỉ người nhà thôi!”, một hai người của BV vẫn còn chưa kịp bước ra, anh nói “Vẫn còn người lạ, bảo tụi nó đi ra”. Rồi anh nói 1 cách rất khó khăn nhưng cũng rất rõ ràng “….là một cái tổ quỷ, vào rồi không có ai ra được!”. (Vì lý do tế nhị, tôi không thể viết đầy đủ câu nói của anh, tất cả mọi người thân máu mủ của anh đều nghe câu nói này, và như thế chúng tôi đã hiểu ra rằng anh mình bị đối xử như thế nào ở cái nơi được gọi là hồi sức hay chăm sóc đặc biệt của BV). Sau đó anh chỉ tay lên trời “Bây giờ anh đi đây!”. Cả gia đình gào khóc thê thảm. Tôi nắm tay vợ anh kéo đến sát bên cạnh anh, anh đưa bàn tay vuốt tóc vợ, cài sâu những ngón tay vào mái tóc chị, anh xoa đầu con gái, nắm tay từng đứa em một. Thằng con rể đóng tiền cho BV vừa kịp chạy về bên anh, anh đưa tay vuốt má đứa con rể đầy thương yêu. Thằng bé cháu nội trai duy nhất của gia đình tôi chạy vào hôn lên má anh, anh gật đầu trong giọng nói nức nở của thằng em út, thằng em mà anh đã đỡ nó lọt ra từ lòng mẹ lúc anh còn là SV Y 3 đang thực tập tại BV Từ Dũ, “anh Luyện, em sẽ cho thằng Bush học Bác sĩ như anh”. Tôi thấy tai mình như ù đi bởi tiếng khóc của Thiên Lương “Ba ơi, con thương ba nhất trên đời, ba ơi…!”. Đột nhiên anh cất tiếng thật lớn “Om…Om…”. Tôi nhìn vào kẽ răng anh đỏ lòm màu máu, đôi môi khô nứt đang cố gắng hé ra… Tất cả chúng tôi đều đọc “Om” theo anh, cả nhà như  vọng vang lên tiếng chuông chùa. Có lẽ một năng lực siêu nhiên nào đó đang nương theo âm thanh của mật ngữ “AUM” này mà đến với anh. Đôi mắt anh vẫn mở nhưng khuôn mặt đang từ từ biến dạng, anh gồng mình, vặn vẹo… cố phát ra tiếng OM một cách khó khăn. Đôi mắt bắt đầu trợn ngược là lúc anh không còn nói được nữa, hai đồng tử di chuyển thành vòng tròn như đảo khắp xung quanh, rồi dừng lại, nở tròn… Tôi nghĩ anh đã ra đi nên nói Thiên Lương vuốt mắt cho anh. Bất ngờ anh lại phát ra một lần cuối cùng tiếng “OM !”, máu và chất nhờn trong cổ họng tống ra một lần chót, lưỡi anh đẩy ra ngoài. Khoảng gần 10 giây sau thì mạch hoàn toàn ngưng đập. Đồng hồ chỉ 12h22p. Vậy là anh chính thức ra đi sau khoảng 7 phút niệm chú và sau 7 giây thốt lên tiếng “AUM” cuối cùng. Chúng tôi tiếp tục niệm AUM. Một vài người trong gia đình niệm A Di Đà. Trong nỗi đau khôn xiết, tất cả chúng tôi cúi đầu ngưỡng mộ trước sự bản lĩnh đến hơi thở cuối cùng của người anh, người cha, người chồng tuyệt vời của gia đình Phạm Doãn. Tôi nghe có tiếng khóc cất lên “Anh Luyện là người anh tuyệt vời, kiếp sau xin cho em được làm em của anh Luyện lần nữa!”…

 

Thế là anh đã thực sự rời bỏ chúng tôi vào giờ Canh Ngọ, ngày Giáp Tuất, tháng Giáp Tuất, năm Giáp Ngọ.

 

Tháng 10 mùa thu nhưng Sài gòn trời đầy nắng. Nắng như thêu lên cuộc đời anh sợi chỉ vàng huyền nhiệm. Nắng như nét bút tài hoa đầy trí lực và bản lĩnh mà anh muốn vẽ vào cuộc sống này. Nhưng em biết rằng anh thực sự vẫn còn tiếc nuối vì chưa hoàn thành bức tranh ấy. Bánh xe của sự sống đã dừng lại để anh được chuyển nghiệp, thay đổi thân xác hư hao này như anh đã từng lập đi lập lại trong những ngày cuối đời “Anh muốn thay chiếc áo mới, khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn”. Có lẽ năng lực siêu nhiên nào đấy đã nhanh chóng trao cho anh một nhiệm vụ mới, trọng trách mới. Tất cả những gì mà anh làm được, em tin rằng vẫn còn nguyên vẹn trong thần thức, được lưu giữ lại dưới dạng những data và được copy sang một cơ thể sống khác, kế tục những gì anh đang còn dang dở hôm nay. !

 

Ngày tiễn anh đi hỏa táng, thành phố này cũng vẫn rực rỡ nắng vàng. Sáng hôm ấy trời rất đẹp. Chúng tôi ngồi trên xe tang cùng với linh cữu anh kính yêu, rải xuống lòng phố những đóa hoa lan trắng tím, như lời chia tay của anh với nơi anh đã trưởng thành và sinh sống. Những cánh hoa nhẹ bay trong nắng, khép lại những hẹn hò với đời trần tục, từ giã một kiếp nhân sinh. Tôi thì thầm với anh

“Rằng thôi một kiếp sa mưa

Lìa thân huyễn tượng hoa đưa cuối trời”

Đây là 2 câu thơ em viết cho chính em, nhưng thôi anh đi trước thì em giành tặng cho anh vậy!

Rồi ngày nào đó, mỗi khi dạo bước trên một vạt cỏ xanh, em lại nhìn thấy nụ cười của anh Luyện, cho dù lúc ấy một giọt nước mắt thật ấm có tràn qua mi thì em vẫn nhận ra lòng mình thanh thản, bởi em tin rằng anh Luyện đã đến được nơi mà anh mong muốn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*