Featured Image: Pixabay
Có một sự thật là, người Việt Nam đã sống rất lâu trong cái môi trường văn hóa đạo, thế nên, việc một ca sĩ mới nổi bị ném đá dữ dội như những ngày vừa qua, quả là một câu chuyện làm tôi bất ngờ. Về cá nhân, tôi thừa nhận khả năng của cậu ấy. Nhưng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ hành vi của dư luận, đặc biệt là sau sự xác nhận của những người có chuyên môn. Vâng! Vấn đề đấu tranh với văn hóa đạo, đáng mừng hay đáng lo?
Đừng nhầm lẫn giữa đạo và học hỏi!
Có một nghịch lý như thế này, loài người vốn dĩ là loài phát triển theo hình thức kế thừa. Không chỉ về âm nhạc, văn chương, triết học mà ngay cả các môn khoa học tự nhiên lẫn các kinh nghiệm sống thường nhật, cũng đều dựa trên thành quả của người đi trước. Không một đứa trẻ nào, lớn lên và sáng tạo được ra cả thế giới, nó luôn chịu ảnh hưởng tiền bối. Cũng không có nền văn hóa nào trở nên vượt trội, nếu nó không học hỏi được, từ những nền văn hóa khác. Sự thành công các làn sóng Hallyu Hàn Quốc là một minh chứng rất rõ ràng.
Theo bác Tony buổi sáng, ngay thời điểm đầu tư cho nền công nghiệp giải trí, người Hàn đã cử hơn 2000 người sang học tập và làm việc tại Mỹ; khi cơn sốt truyền hình Đài Loan càn quét các nước châu Á, người Hàn cũng bắt tay vào nghiên cứu các motif phim truyện, để họ sáng tạo ra các bộ phim của chính mình; khi tấn công vào thị trường Nhật, người Hàn cũng thừa kế rất nhiều âm vực và chất giọng của người Nhật, và họ tạo ra giọng hát cá heo Junsu.
Song song và đối nghịch với người Hàn, là sự “bất tài” của nền văn chương hiện đại Việt Nam. Văn chương Việt Nam thật ra không tệ, thậm chí là rất thâm trầm và có chiều sâu, nhưng thế hệ bây giờ không những từ chối thế hệ trước mà còn từ chối luôn sự tích cực văn hóa ngoại lai. Họ bị mắc kẹt trong một chủ đề hút khách. Họ bị mắc kẹt trong một cuốn tiếu thuyết họ tâm đắc. Có bao nhiêu nhà văn thực sự có cuốn từ điển Tiếng Việt trong tủ sách nhà mình? Xin phép chứ, rất nhiều nhà văn trẻ ngày nay còn không có thói quen đọc sách. Họ không có tủ sách chứ đừng nói có cuốn từ điển ấy. Rapper Eminem thất học, nhưng hàng tối, anh ta vẫn nghiên cứu từ điển để mở rộng vốn từ! Chết chìm trong tư duy của bản thân là một trong những nguyên nhân lớn, làm nền sáng tác Việt Nam có phần bị lụi tàn.
Học hỏi là điều tốt, nhưng đạo là một sự rất ư là dại dột
Ngừng học hỏi là một thói quen sai lầm, nhưng đạo rõ là một hành vi vô sĩ. Xét về khía cạnh đạo đức, khi bạn “mang ơn” của một người nào đó, mà bạn không nhắc đến họ, đó là hành vi “khinh sư”, là ăn cháo đá bát. Xét về khía cạnh kinh tế, khi bạn thu lợi lại từ những thứ vốn dĩ là công sức của người khác, đó là hành vi cướp cạn công khai. Xét về khía cạnh danh tiếng, dùng năng lực người khác để nhận lấy làm của mình, bạn là kẻ hiếu danh, không đáng tin tưởng.
Rất nhiều nghệ sĩ tài năng của Việt Nam đã từ bỏ nghệ thuật vì họ không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống của họ. Họ cũng không đủ can đảm nhìn thấy tác phẩm của minh bị quăng quật, chỉnh sửa, thậm chí trình bày khá thô tục ở các hội chợ, và những nơi không phải hội chợ nhưng hành vi của người nghe cũng tương tự như thế. Tại sao ngày nay hiếm có nhạc hay để nghe? Tại vì sự dễ dãi, vô tâm của người nghe? Tại vì sự vô sĩ của người đạo? Hay sự yếu kém trong việc bảo vệ những người nghệ sĩ chân chính? Người nghệ sĩ vốn dĩ rất nhạy cảm, làm sao có thể bắt người ta toàn tâm toàn ý sáng tác được, khi họ phải chịu vô số những sức ép không đáng có?
Đó là cách đánh giá từ phía bên ngoài vào. Ngược lại, nhìn từ chính bản thân người đạo, đó cũng là một hành vi không khôn ngoan, không có hậu. Một nhà văn xào nấu lại các tư liệu trên mạng, dịch từ các tác phẩm nước ngoài, điều đầu tiên anh ta từ bỏ, chính là những độc giả chân chính có hiểu biết. Có thể anh ta có rất nhiều sách, đạt được rất nhiều like, bán được rất nhiều vé, nhưng luôn có giới hạn. Một độc giả có lòng tự trọng và hiểu biết, họ sẽ rất khó chấp nhận với những thứ ăn theo, nhái lại.
Hơn nữa, họ sẽ nghĩ, dù gì thì hắn cũng đạo thôi mà, rốt cuộc hắn cũng vì tiền thôi, chắc gì hắn đã cảm được những thứ tươi đẹp ấy. Vâng! Đã rất khó để kiếm được một người góp ý chân thành cho mình. Đạo thì thôi mơ đi. Và khi không có người góp ý, anh sẽ cứ bị mắc kẹt trong cái trình độ ấy hoài. Sự trưởng thành mạnh mẽ nhất chính là ở kẻ thù, không phải ở bạn. Và đặc biệt, khi anh ta bị mắc cạn, không ai cứu anh ta đâu! Những người chỉ biết gõ phím chửi người thì họ chỉ biết gõ phím chửi người mà thôi!
Điều thứ hai, người đạo cũng mất đi đấy, mất đi sự thừa nhận khả năng của mình. Tôi không có thiên khiếu nghe nhạc. Tôi nghe nhạc phần lớn dựa trên lời và hình ảnh ngôn từ. Và tôi thừa nhận cậu ấy rất nhạy cảm về từ. Không phải tự nhiên lũ trẻ cứ nhẩm đi, nhẩm lại bài hát của cậu ta. Những từ như “thôi mà” “chắc” “làm sao” tạo ra một cái gì đó… có chút nũng nịu. Rồi cách cậu ấy lặp âm cuối liên tục, lặp nguyên âm, lặp cả phụ âm tạo nên “một cách láy láy rất khiên cưỡng nhưng rất kết nối”. Hầu hết tất cả các bài hát bắt tai đều sử dụng kỹ thuật ấy.
Rồi khi so sánh với bản gốc, tôi thấy, cậu ta khuếch đại lại các điểm thu hút nhất của bài hát, khá nhiều lần. Nếu ai thực sự yêu thích, tôi nghĩ họ sẽ replay lại đoạn “đi xa quá” và “anh rất nhớ” liên tục. Đó là cái điều mà bài hát gốc có, nhưng không làm được… Có thể đối với người sành nghe, những gì tôi trình bày là trò mẽo không đáng nói. Nhưng đối với đám đông, nó thu hút, đó cũng là một dạng tài năng! Nhưng cũng là đám đông lại quá mờ nhạt. Cuối cùng, đâu ai thật sự bảo vệ cậu ta. Cuối cùng, cái tất cả mọi người thấy. Là cậu ấy đạo nhạc. Là toàn bộ motif bài hát y chang nhạc Hàn. Có đáng không? Có! Có công bằng không? Có! Rất đáng và rất công bằng một cách quá ư là dại dột.
Xin phép chia sẻ cá nhân một tí. Bản thân tôi là người viết rất làm biếng ghi nguồn. Thậm chí, hồi học đại học, tôi còn phản ứng với giảng viên hướng dẫn về việc này, vì thấy khá vô ích. Nhưng sau này trưởng thành hơn, tôi hiểu và thay đổi. Khi mà tôi địa được một status nào, tôi đều chia sẻ lại, dẫn nguồn chủ nhân rất cẩn thận. Để chi vậy? Để cho người ta thấy được bản gốc sau khi qua tay tôi, nó đã được thay đổi như thế nào, những cái gì được giữ lại, những cái gì đã được thêm vào để câu văn có sự cuốn hút. Đó là niềm kiêu hãnh của bản thân! Sự tinh tế và kỹ thuật nằm ở chi tiết, không nằm ở đại thể.
Đấu tranh với văn hóa đạo có đáng lo không?
Như tôi đã nói, Việt Nam sống trong một nền văn hóa đạo. Xin phép, đừng thòng hai chữ nhạc Hoa, nhạc Nhật là xong chuyện. Cái chính là đã hỏi tác giả chưa? Đã trả bản quyền chưa? Nếu chưa, vẫn là đạo! Bản chất là bản quyền là Tôn Trọng, cả về mặt tinh thần, lẫn vật chất đối với người sáng tác. Bản quyền bắt đầu bằng cái tâm của người nghệ sĩ, nó không phải là thứ chỉ để đối phó dư luận. Nếu trong đầu đã cứ nhất quyết sân si đạo để nổi tiếng, thì có đủ đường, đủ cách, đủ trò, đủ phương pháp chối tội. Mà thật ra, đối với người nghệ sĩ chân chính, tôi thấy họ hầu hết cũng ít đấu tranh đến cùng. Công việc của họ là sáng tác, không phải giành giật kiểu phường chợ búa. “Ở Việt Nam chỉ có giới giải trí mới giàu thôi, giới nghệ thuật đều phải làm nghề khác mới khá nổi em à!” Có thật như thế không?
Vâng! Đấu tranh với văn hóa đạo là điều đúng, rất đúng. Nhưng đấu tranh nữa vời, không hiểu hết được câu chuyện và bao hàm cảm xúc cá nhân là rất có hại, vì nó giết chết cái ý nghĩa đúng đắn của việc học hỏi. Đừng để nhiệt tình cộng ngu dốt mà thành phá hoại. Một lần thầy nòi ngã ngựa là một lần thầy ấy khó quay lại trường đua.
Hãy nghiêm khắc từ chính người nghe!
Tại sao “Bài hát Việt” bỏ cả tỷ đồng giải thưởng? Rồi tại sao Làn sóng Xanh lại gây khó khăn với ba chữ lý lịch sạch? Đó là cái tâm của những nghệ sĩ may mắn đạt được thành công. Chúng ta cần sự thay đổi. Chúng ta không thể cứ dễ dãi mãi, để rồi lụi tàn như thế được. Cái xã hội cần, là cần công chúng cũng phải hiểu được điều đó. Không thể, cứ có nhạc nghe là được, có sách để đọc cho vui mắt là xong. Photo vài thứ chỉ tiết kiệm được dăm đồng, nhưng nhân cách của bản thân đâu có rẻ mạt đến thế!
Chữ đạo không chỉ nằm ở người sáng tác, trình bày, chữ đạo còn nằm ở cả người nghe và người thụ hưởng. Đã không nghe, không đọc thì thôi! Còn trong tâm đã yêu thích thì cũng nên áy náy một chút với những gì mình nhận được chứ! Một fan chân chính không phải đi chửi mướn. Một fan chân chính là hỗ trợ thần tượng đi đến con đường thành công, MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN.
Tôi tin, khi mà người nghe nghiêm khắc và chịu chi trả, chúng ta sẽ có nhạc hay để nghe, chúng ta sẽ có sách sạch để đọc. Vì sao? Vì những thứ ấy đánh đổi bằng lợi ích của xã hội. Xã hội sẽ bắt nó đi vào chuẩn mực. Hãy tiếp tục đấu tranh với văn hóa đạo nhưng hãy cụ thể hơn, thay vì chỉ xách bàn phím và chửi nhau cho đã miệng. Hãy bắt đầu bằng mua sách bản quyền bạn nhé.
Lối thoát nào cho cậu ấy?
Cậu ta có khả năng, nhưng ê kíp cậu không chuyên nghiệp. Cậu ấy cũng không thực sự được định hướng tốt. Như cái chuyện đạo vừa rồi là rõ. Thứ nhất, cậu ấy có tiền án rồi, sao lại còn liều lĩnh đến thế? Thứ hai, chỉ cần từ đầu, cậu thêm hai chữ nhạc Hàn là chưa chắc đến nổi này. Đó là nhạc phim, nếu có vấn đề bản quyền phát sinh, là do đoàn phim chi trả. Trách nhiệm của cậu ấy không phải là một mình đưa đầu chịu báng như bây giờ. Là do cậu mắc bệnh ngôi sao, hay do giới giải trí sống vô tình? Chính cậu ta phải tự mình tìm câu trả lời đó!
Điều đầu tiên, hãy sẵn sàng Học Hỏi. Ngay cả ca sĩ nổi tiếng của US – UK cũng từng thừa nhận bị ảnh hưởng từ người đi trước mà. Sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng tôn trọng bản quyền, thì không có gì đáng xấu hổ cả. Khối thanh niên bằng vai phải lứa có làm được như cậu ấy đâu. Thậm chí, khối kẻ chửi bài hát của cậu nghe như…, nhưng ngoài việc nũng nịu với những người đáng tuổi bố mình, họ có làm được điều gì nên hồn đâu! Đừng để cái gấp gáp của tuổi trẻ đẩy mình vào bờ vực. Cậu ấy đã thành công so với tuổi cậu ấy. Bình tĩnh để đi con đường đúng!
Điều thứ hai, hãy tham khảo từ chính đàn em, sẵn sàng chi trả cho những người chuyên nghiệp. Đừng có tham lam. Người chuyên nghiệp họ có cái nhìn của người chuyên nghiệp. Nếu thấy đối tác của mình không đủ sức nữa, hãy cứ mở lời với những đàn anh, đàn chị đã chỗ đứng vững chắc. Sinh ra trong gia thế không có nhiều thuận lợi với nghề thì đòi hỏi bản thân phải tích cực giao lưu, kết hợp chứ!
Điều thứ ba, đừng ra cố, ra nhiều vì sợ hết thời. Victor Hugo mất 14 năm để viết Những Người Khốn Khổ. Tài năng thật sự là luôn nảy sinh ra cái mới và luôn cần thời gian. Nếu cảm thấy bế tắc vì môi trường này không dạy gì được cho mình nữa, hãy học tiếng Anh và tiếp thu môi trường mới.
Thế hệ trẻ luôn dại dột, nhưng họ sẽ luôn là người gồng gánh đất nước. Hãy cho họ lối thoát! Nhưng cũng xin người trẻ, đừng vì hai chữ tuổi trẻ mà đưa tiền nhân vào thế khó. Cái tâm vẫn là cái quý nhất!
Diều Hâu Đuôi Đỏ