YOGA VÀ TÔN GIÁO

YOGA không bài bác bất cứ một tôn giáo nào. Không học theo bất cứ một tư tưởng nào, một tôn giáo nào. Bản chất đích thực của YOGA là tự thân nỗ lực THIỀN ĐỊNH để tìm cho mình một hướng đi riêng, không trùng lấp với một cá nhân nào hoặc ông thầy nào. Yoga không khuyến khích hay khuyến dụ bất cứ tôn giáo nào bỏ đạo để theo Yoga. Nếu gặp những trường phái Yoga nào có những tư tưởng hay việc làm như trên thì hãy hiểu ra rằng HỌ KHÔNG PHẢI LÀ YOGA ĐÍCH THỰC. Họ lợi dụng Yoga để trục lợi, lập nhóm, lập môn phái, hay là một tôn giáo mới để thực hiện ý đồ riêng của họ, hãy cảnh giác với loại Yoga này.

Đối với Yoga, những tôn giáo lớn trên thế giới đã qua sự thử thách của thời gian mà tồn tại, đều có những lý do chính đáng. Nếu có điểm nào không đồng ý, thì không phải là do tôn giáo, mà chính là đối với các điều xét ra thấy bất hợp lý mà người ta đã thêm thắt sau này.

– Hồi giáo tồn tại và phát triển vững mạnh theo thời gian là cách cư xử của những người cùng tôn giáo với nhau. Họ có một tinh thần bình đẳng và một tình tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau rất đáng khâm phục. Swami Vivekananda trong chuyến viếng thăm nước MỸ, khi nói về tôn giáo đã có lời phê bình rằng:”Ở nước Mỹ người ta cùng chung một tôn giáo, nhưng không đi chung một nhà thờ.Còn đối với người Hồi giáo, thì ông vua Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngồi ăn cơm chung với người thường dân da đỏ, nếu người ấy theo đạo Hồi.”

– Thiên chúa giáo mà người ta thường mệnh danh là tôn giáo của tình thương. Được tồn tại không phải vì giáo hội có một tổ chức mạnh mẽ mà chính vì đức tính tốt của người hành đạo. Thật là cảm phục tinh thần hy sinh của những nhà truyền giáo Mỹ. Chuyện này cách đây hơn 50 năm, trong khi truyền đạo ở Ecuador [Nam Mỹ] cho những người miền núi, trong khi đó sự hiểu biết của họ còn trong thời kỳ của thời đại đồ đá. Các giáo sĩ đó đã bị giết. Nhưng vài năm sau, vợ của một giáo sĩ bị giết đã đem con trở lại vùng đó sống với những người đã giết chồng mình để mà cảm hóa họ. Bà vợ giáo sĩ này không thù ghét kẽ giết chồng bà, mà trái lại đã thực hành không sai lời của chúa dạy “HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ”. Tình thương cao quý ấy thật đáng trân trọng và khâm phục, mãi mãi vẫn là tấm gương sáng cho các nhà truyền đạo noi theo.

– Phật giáo là tôn giáo của TỪ, BI, HỶ, XẢ, tình thương không phải chỉ áp dụng giữa những con người với nhau, mà còn đối với các sinh vật nữa, vì trên thực tế giữa người và vật có mối quan hệ mật thiết với nhau. Shri Aurobinđo, một nhà triết học nổi danh của Ấn độ ở thế kỷ 20 đã xác nhận rằng:”Từ đời sống khoáng chất cho tới con người đều có sự liên tục, sự liên tục được thực hiện qua trung gian của loài thảo mộc”.

Loài cây lấy thức ăn trong khoáng chất, rồi loài vật hay loài người ăn cây cỏ đó mà sống. Nếu giữa loài khoáng chất, loài cây cỏ, loài vật và loài người không có sự đồng nhất nào đó thì làm sao con người có thể ăn cơm, ăn thịt để tiêu hóa mà sống được. Swami Vivekananda cho rằng cái chất cấu tạo nên mặt trăng, mặt trời v.v…cũng là cái chất tạo nên con người, chỉ có sự kết hợp khác nhau mà thôi. Những lý luận triết học vừa nêu trên đã có từ lâu, khoa học ngày nay đã công nhận, để rồi dần dần trở về với triết học, trở về với tôn giáo.

Tính cách chung của các tôn giáo, nhìn chung đều muốn hướng về CHÂN, THIỆN, MỸ. Nhưng CHÂN, THIỆN, MỸ cũng còn tùy thuộc theo tôn giáo, và sự trình bày đôi khi hơi khác nhau. Cái CHÂN trong Hồi giáo, Thiên chúa giáo có thể là tình thương, thương yêu nhau để đem lại hạnh phúc cho thế gian. Cái CHÂN trong Phật giáo ngoài tình thương bao la, còn có triết học về THỰC và GIẢ. Đức Phật chỉ ra cho con người biết rõ đâu là thật, đâu là giả. Nên có người gọi đức Phật là ĐẤNG TÌM RA SỰ THẬT.

Như đã trình bày ở phần trên, thế giới ngày nay có nhiều tôn giáo khác nhau. Hơn thế nữa, trong cùng một tôn giáo cũng còn có nhiều ngành khác nhau. Đó là một hiện tượng tự nhiên, nó cũng rất tự nhiên như những bức họa khác nhau cùng một đề tài. Ta hãy thử một thí dụ: Ở trong lớp học có 50 người cùng vẽ một bình hoa. Điều chắc chắn xảy ra là mặc dù chỉ có bình hoa kiểu mẩu, nhưng 50 người học trò sẽ vẽ 50 bình hoa khác nhau. Nếu đem các bức vẽ so sánh với nhau, thì không có cái nào giống cái nào. Nhưng nếu lấy từng bức vẽ một và so sánh với hình mẩu, thì bức vẽ nào cũng có những điểm giống như hình mẩu. Tôn giáo cũng vậy, mỗi một tôn giáo đều có những tính chất cao thượng của một đấng tối cao, nhưng nếu ta đem tôn giáo nầy so sánh với tôn giáo khác, thì mỗi một tôn giáo đều có những nét đặc trưng riêng. Nói như vậy không có nghĩa rằng các tôn giáo không thể dung hòa lẫn nhau, trên thực tế các tôn giáo luôn luôn bổ khuyết cho nhau. Cũng như 50 bức vẽ khác nhau, mỗi một bức vẽ đều nói lên một khía cạnh của sự thật, nó luôn luôn bổ khuyết lẫn nhau. XUNG ĐỘT NHAU LÀ DO NGƯỜI XEM TRANH, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG BỨC VẼ. Một ngày nào đó, 50 người xem tranh, mỗi người vì một lý do nào đó ưa thích một bức tranh khác nhau, rồi người nọ nói với người kia rằng, bức tranh của tôi gần với sự thật hơn, còn bức tranh của anh có nhiều tính chất giả tạo. Nếu bây giờ thay vì nói chuyện tranh, 50 người như trên nói chuyện về tôn giáo thì họ cũng lại dùng luận điệu của người xem tranh để cãi nhau.

Các điều trên chứng tỏ rằng tôn giáo không xung đột lẫn nhau, mà chính là do con người xung đột nhau trong khi giải thích những điều đã được thêu dệt thêm vào để làm cho tôn giáo trở nên thêm huyền bí, và xét cho cùng nó có lợi cho việc truyền đạo vào những thời kỳ mà người ta chưa có những phát minh khoa học, và chưa biết dùng lý trí để suy luận minh bạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


*