TRUYỀN THÔNG VÀ CÁI ÁC.

1Một tháng sau khi hung thủ vụ thảm sát ở Bình Phước kết thúc, nhiều nhà báo đeo bám khi cảnh sát thực nghiệm hiện trường đã được “chào đón” bằng màn vung gậy xua đuổi của một người dân, người vốn là bà con của các nạn nhân. Vì sao?
 
Nếu bạn đã đọc về vụ án này khi nó xảy ra chắc sẽ nhớ, không ít phương tiện đưa tin quá chi tiết, đậm đặc… khiến người đọc có thể thuộc lòng các tình tiết ghê rợn nhất.
 
Do hoàn cảnh đặc biệt, tôi có dịp tiếp cận với hàng nghìn người phạm tội ở ngoài đời và nơi cải tạo, kể cả những ông trùm và các tên giang hồ “cắc ké kỳ nhông”. Tôi nhận ra mối quan hệ đặc biệt giữa họ với các bài viết về vụ án.
 
Ông Trương Văn Cam (Năm Cam) khi gặp tôi trong các phiên dẫn giải, xử án đều hỏi: “Báo chí viết về tôi tốt không”? Do từng tiếp xúc với Năm Cam nên tôi hiểu, “tốt” ở đây là ông ta có được mô tả “oai phong” hay không (cho dù mô tả đó có chủ đích lên án).
 
Hồi ở trại giam, tôi quen Phương, một cậu bé con nhà giàu, bị bắt vì cướp giật, mới phạm tội lần đầu. Có lần cậu thích thú khoe tôi mẩu báo được giấu kỹ nói về “chiến tích” của Phương. Bài viết miêu tả Phương như một tên tội phạm chuyên nghiệp, lấy chuyện cướp giật làm lẽ sống, vung tiền cướp được vào các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Bài báo quá cường điệu nhưng Phương lại thích thú và xem nó như một thứ gia bảo. Cậu kể, khi ra tù sẽ làm những phi vụ lớn hơn.
 
Là một người viết, từng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tôi nhận ra tội phạm luôn đọc kỹ những bài báo nói về hành vi của mình và của người khác để “tự sướng” hoặc bắt chước khi có điều kiện.
 
Một anh xe ôm ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM đã nhiều lần chở nghi can thủ ác hại chết 6 người ở Bình Phước kể lại cho tôi, hắn rất thích đọc vụ án, “nghiên cứu từng chi tiết một. Bài nào càng mô tả chi tiết, rùng rợn, hắn càng thích”.
 
Hầu hết những người từng phạm tội mà tôi tiếp xúc đều cho rằng, những hành vi tội ác là “bản lĩnh” thay vì là “ghê sợ” như chúng ta vẫn nghĩ. Các đại bàng trong trại giam cũng đa phần được xếp hạng dựa trên mức độ ghê sợ của hành vi.
 
Theo các nhà nghiên cứu về tội phạm học, tội ác – với sự hấp dẫn ma quái của nó – sẽ bám rễ vào tâm hồn con người khi nó được tiếp xúc nhiều lần cho dù là dưới dạng phim ảnh, văn chương hay các phương tiện truyền thông.
 
Khi tôi bày tỏ sự lo lắng trên trang cá nhân về việc cái ác có thể lây lan qua đường truyền thông, một vị thứ trưởng đã điện thoại cho tôi nói đại ý, người viết cũng như bác sĩ, thầy cô giáo… và các ngành nghề khác, nên có sự tiết chế và đạo đức nghề nghiệp, nhất là ở những khi mà pháp luật chưa có nội dung điều chỉnh.
 
Cuộc đời đã dạy tôi, biết chùng tay mỗi khi cầm bút viết về cái ác.
 
(Tác giả: Hoàng Linh – Nguồn: Vnexpress)

Comments are closed.