ĐỨC PHẬT GIÁNG SINH VÀ KHỞI NGUYÊN CỦA THIỀN

5III. ĐỨC PHẬT GIÁNG SINH VÀ KHỞI NGUYÊN CỦA THIỀN

1. Sự sinh diệt và gia thế đức Phật
Mặc dù mục đích chính của bài viết này là nghiên cứu khởi nguyên của Thiền, nhưng đức Phật là nhân vật trung tâm của lịch sử Phật giáo nên viết về cuộc đời đức Phật là điều tất yếu không thể bỏ qua.

Đối với niên đại đản sinh, diệt độ của đức Phật, có rất nhiều thuyết, thậm chí đến sáu, bảy mươi thuyết khác nhau. Trong số đó, có những thuyết chênh lệch nhau hơn 400 năm, nên niên đại sinh diệt của Ngài là vấn đề khá phức tạp và rối rắm. Nay, chúng tôi chỉ căn cứ vào kết quả khảo chứng về niên đại nhập diệt của đức Phật trong hai hệ Nam truyền và Bắc truyền để đưa ra những nhận định chung nhất.

Theo Bắc truyền, trong Chúng Thánh điểm ký ghi niên đại đức Phật nhập diệt năm 485 trước kỷ nguyên; trong Thiện Kiến luật Tỳ-bà-sa ghi đức Phật nhập diệt năm 479 trước kỷ nguyên. Theo Nam truyền, Phổ-lại-la ghi Phật diệt độ năm 483 trước kỷ nguyên đến năm 481 trước kỷ nguyên. Văn bia thứ nhất ở Phật-đà Già-da (Buddha-gayā) ghi năm 481 trước kỷ nguyên. Chúng ta nên xem thế kỷ thứ V trước kỷ nguyên là thời gian đức Phật nhập diệt thì tương đối thoả đáng hơn. Chúng tôi cũng đã căn cứ vào Đảo sử (Dīpavaṃsa) và các kinh luận của Đại, Tiểu thừa cùng với các sử sách Đông Tây nghiên cứu về niên đại sinh diệt của đức Phật (đăng tải trên báo Nhân Sinh, quyển 1, kỳ 2). Theo Chúng Thánh điểm ký xác định năm 483, nếu tính ngược lại 80 năm thì niên đại đức Phật đản sinh là năm 563 trước kỷ nguyên. Thuyết này tương đối gần với sự thật lịch sử vì đã được đa số học giả công nhận.

Vấn đề về chủng tộc Thích-ca (Śākya) cũng có nhiều thuyết, có người gọi là dân tộc Tư-khấu-thản-lợi (dịch âm), có người gọi là dân tộc Nhã-lợi-an. Tóm lại, Thích-ca là chủng tộc sống ở vùng Ni-ba-la (Nepal) dưới chân núi Tuyết (Himālaya). Đức Thích Tôn sinh ra từ chủng tộc này. Lúc đầu, tộc Thích-ca từ Trung ương Á-tế-á di cư xuống phương Nam, xây dựng nên một quốc gia chủng tộc bên bờ sông Ấn Độ.

Vua Nhân-ý-ma di cư đến Bổ-đà-lạc-ca (Potalaka), vua có hai người vợ, vợ thứ nhất sinh được một người con, vợ thứ hai sinh được bốn người. Bốn người con của vợ thứ hai bị người vợ thứ nhất ghen ghét nên đuổi ra khỏi thành Bổ-đà-lạc-ca. Họ men theo sông Hằng đi về phương Đông, đến xây dựng một đất nước trong rừng cây dưới chân núi Tuyết. Người con trai thứ tư của vợ thứ hai là tổ tiên của tộc Thích-ca, ông thành lập riêng vương quốc Trang Nghiêm (Vyūha), lúc đầu đóng đô tại thành Ca-tỳ-la (Kapila-vastu).

Ca-tỳ-la là một thành phố nhỏ nằm bên sông Hằng. Thành phố này do vua Tịnh Phạn thống trị. Đây là sử liệu được cả Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền công nhận. Bắc truyền lấy Ngũ phần luật làm đầu, các kinh luật khác cũng viết như thế. Kinh điển Tích-lan thuộc Nam truyền và Tây Tạng cũng thống nhất như nhau, nên đây là sử liệu rất đáng tin cậy. Đối với gia thế của đức Thích Tôn, chúng tôi dựa vào các sử liệu ghi chép để đưa ra lược đồ như sau:

1. Phổ hệ bên cha: Hệ thành Ca-tỳ-la.
2. Phổ hệ bên mẹ: Hệ thành Câu-lợi

Phụ vương của đức Thích Tôn là vua Tịnh Phạn thống lĩnh thành Ca-tỳ-la. Tịnh Phạn nghinh giá hai người con gái của vua A-nô-thích-ca thống lĩnh thành Câu-lợi thuộc chủng tộc Thích-ca là Ma-da (Mayā) và Bà-xà-ba-đề (Mahāprajāpatī) về làm vợ. Đức Thích Tôn đản sinh từ bào thai của Thánh mẫu Ma-da.

2. Khánh đản và đời sống xuất gia của đức Phật
Thuở nhỏ, đức Thích Tôn tên là Tất-đạt-đa (Siddhārtha), giáng sinh làm Thái tử trong dòng tộc Thích-ca thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc miền Trung Ấn Độ, mang chủng tộc Sát-đế-lợi (Ksatriya).

Vua Thủ-đồ-đàn-na (Śuddhodana) là phụ vương, nàng Ma-da (māyā) là Thánh mẫu của Thái tử. Khi Thánh mẫu trở về nhà cha mẹ ở thành Câu-lợi, trên đường nghỉ chân tại vườn Lam-tỳ-ni, nàng sinh hạ thái tử Tất-đạt-đa dưới cây Lạn-di-man-a-dục. Mùa này là tiết trời mát dịu mùng 8 tháng 4, với muôn chim ca hát, trăm hoa đua nở đón chào Thái tử đản sinh. Sau ngày sinh nở không lâu, Thánh mẫu Ma-da qua đời và thác sinh lên cõi trời Đao Lợi. Di mẫu là Ma-ha-bà-xa-ba-đề (Mahāprajāpatī) thay thế Thánh mẫu để nuôi nấng Thái tử. Sau đó, những vị thầy lúc bấy giờ đến dạy cho Thái tử cả văn lẫn võ. Thái tử thiên tính thông minh, trí tuệ hơn người, học một biết mười, sáng suốt thông đạt, chỉ có tâm tình lúc nào cũng ưu sầu, thường trầm tư mặc tưởng nuôi chí hướng xuất gia. Thấy vậy, phụ vương sinh lòng lo lắng. Vì để xoay chuyển chí hướng xuất gia của Thái tử nên vua cho xây dựng những cung điện thích hợp với khí hậu ba mùa, tuyển chọn mỹ nữ hầu hạ, ngày đêm trỗi nhạc và cưới con gái của vua Thiện Giác (Suprabuddha) là Da-du-đà-la (Yaśodharā) làm vợ Thái tử. Sau khi sinh được một cậu con trai, đặt tên là La-hầu-la, phụ vương và bá quan văn võ ai ai cũng vui mừng. Bỗng một hôm, Thái tử dạo chơi ngoài bốn cửa thành, chứng kiến những cảnh sinh, già, bệnh, chết. Thực tướng của cuộc sống con người mà Ngài chứng kiến không ngăn được nỗi ưu tư sầu lắng từ đáy lòng của người canh cánh tâm nguyện cứu đời nên Thái tử quyết chí xuất gia. Năm xuất gia cầu đạo, Thái tử vừa tròn 19 tuổi.

Có nhiều thuyết khác nhau nói về người vợ của Thái tử, có thuyết cho là một vợ, có thuyết cho là hai vợ, có thuyết cho là ba vợ, truyền thuyết bất nhất. Có hai thuyết nói về năm lập gia đình của Thái tử, là năm 17 tuổi và năm 19 tuổi. Thậm chí, thời gian tu hành của Thái tử cũng có nhiều thuyết, có thuyết nói 12 năm, có thuyết nói 6 năm, có thuyết ghi 1 năm. Sở dĩ có nhiều thuyết như vậy là do quan niệm về cách tính niên đại lịch sử của Ấn Độ còn nhiều điều thiếu rõ ràng. Theo thuyết Bắc truyền, 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành đạo. Gần đây, tôi có nghiên cứu và thừa nhận rằng, Thái tử 29 tuổi xuất gia, 35 tuổi thành đạo là tương đối hợp tình hợp lý hơn. Không luận là Thái tử lập gia đình năm 17 hay 19 tuổi nhưng sau hai năm lập gia đình, Thái tử vào núi xuất gia, vì thuyết này đã được khảo chứng.

Thái tử cắt đứt tình cảm ái ân của cha mẹ, vợ con, Người lặng lẽ vượt khỏi vương cung, ra đi trong đêm khuya thanh vắng để vào chốn rừng sâu tu đạo, men theo sông Hằng đi về phương Nam, lần lượt tầm sư phỏng đạo.

Đầu tiên, Người đến học đạo với bậc thạc học danh đức Bạt-ca-bà (Bhārgava) trong rừng Khổ hạnh. Sau đó, đến thành Vương Xá, thủ đô nước Ma-kiệt-đà để thăm vua Tần-bà-sa-la, vua khẩn thiết khuyên Thái tử ở lại nhưng Thái tử không đồng ý. Người ra đi học đạo với Tiên nhân La-la-ca-lan (Ārāḍa-kālāma).

Nhờ học với Tiên nhân, Người đã ngộ được nguyên nhân phát sinh phiền não. Người còn tu tập bốn cấp độ Thiền định, đến định Vô sở định xứ (ākiñcanyāyatana), đạt đến sự Giải thoát chân chính nhưng Thái tử vẫn cho rằng đây là đạo chưa cứu cánh.

Ngài từ giã La-la-ca-lan ra đi, đến học đạo với Tiên nhân Uất-đà-la-la-ma-tử (Udraka-rāmaputra). Tiên nhân coi thiền định Phi phi tưởng xứ (Nai va-saṃjñānāsaṃjñāyatana) ở cõi Sắc là cảnh giới cứu cánh. Hai vị Tiên nhân này là những bậc thạc học nổi tiếng thuộc phái Số luận lúc bấy giờ.

3. Đức Phật thành đạo và khởi nguyên của Thiền
Năm 34 tuổi, Thái tử sang nước Ma-kiệt-đà, vào rừng Khổ hạnh thôn Âu-lâu-tần-loa (Uruvilvā) bên bờ sông Ni-liên-thiền (Nairañjanā), bảo các người thân ở vương cung đi theo ra về, Người đến với năm người thuộc nhóm Kiều Trần Như thực hành phép tu luyện khổ hạnh một ngày chỉ ăn một hạt mè hoặc một hạt lúa mạch, tọa thiền nhập định.

Không lâu, Thái tử nhận ra rằng, khổ hạnh không phải là con đường tu tập chân chính, bèn xả bỏ phép tu tiết chế dục vọng vô ích xưa nay. Người xuống dòng sông Ni-liên-thiền (Nairañjanā) tắm rửa thân thể, tiếp nhận chất dinh dưỡng do cô thôn nữ Thiện Sinh dâng cúng để khôi phục thể lực.

Không báo cho năm vị Tỳ-kheo kia biết, Người một mình vượt sông, đến dưới gốc cây Tất-bà-la (pippala), tức là cây Bồ-đề (Bodhivṛkṣa) sau này, ở Già-da (Gayā) ngồi thẳng tư duy trên bảo toà Kim cương, hàng phục tất cả ma vương quấy phá.

Năm 35 tuổi, vào ngày mùng 8 tháng 2, khi sao Mai vừa ló dạng ở vùng trời phía Đông, Thái tử hoát nhiên giác ngộ, chứng đạo Vô thượng chính giác, thành tựu trí tuệ A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề (Anuttara-samyak-saṃbodhi). Đó là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và khởi nguyên của Thiền bắt đầu từ đấy.

Lúc bấy giờ vẫn chưa có mặt Phật giáo, cũng không có Kinh, Luật, Luận mà chỉ có pháp nội chứng (pratyātmādhigama) tự thọ dụng của đức Thích Tôn. Pháp môn nội chứng này tức là Thiền-na. Nhưng làm thế nào để khai thị pháp môn ấy cho thế gian hiểu? Nên dẫn dụ cho chúng sinh bằng cách nào là vấn đề lớn mà đức Thích Tôn đã nhiều lần trăn trở và suy nghĩ. Vì vậy, đức Phật tư duy trong 21 ngày, mở rộng pháp nhãn để quán sát thế gian, thấy tất cả chúng sinh đều đắm chìm trong đường tà kiến, tâm tư bị vô số sợi dây phiền não trói buộc mãi mãi không bao giờ thoát khỏi. Lúc bấy giờ, đức Phật mở lòng nhân từ thể hiện bi tâm cứu độ nhân thế.

Đức Phật từ Kim cương bảo toà đứng dậy, đến Ba-la-nại-tư (Vārāṇasī) độ A-nhã-kiều-trần-như (Kauṇḍinya) tại Lộc dã uyển (Mṛgadāva). Đây là thời kỳ sơ chuyển pháp luân của đức Phật, và Tam bảo Phật, Pháp, Tăng bắt đầu hình thành. Sau đó, Ngài quay về nước Ma-kiệt-đà, trên đường đi, hóa độ hàng trăm người ngoại đạo theo Tam Ca-diếp[1] thờ Thần lửa. Đến quốc đô thành Vương Xá, Ngài thuyết pháp cho vua Tần-bà-sa-la, hóa độ các đại đệ tử như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp… Di mẫu của Phật, vợ của Ngài khi còn làm Thái tử là Gia-du-đà-la cùng với Ưu-bà-li; A-na-luật lần lượt gia nhập giáo đoàn của đức Thích Tôn, cùng tắm chung nguồn pháp vũ bình đẳng một vị của Ngài.

Đối với khoảng thời gian thuyết pháp của đức Phật, có thuyết nói 45 năm, có thuyết nói 49 năm, có thuyết nói 50 năm. Tôi cho rằng, tổng thời gian thuyết pháp của đức Phật gồm 45 năm là xác đáng nhất. Trong thời kỳ này, đức Phật lấy Tỳ-xá-ly, Kiều-tát-la và Ma-kiệt-đà làm trung tâm thuyết pháp, hành hóa ở các nước thuộc miền Trung Ấn Độ. Người ủng hộ đắc lực nhất cho đức Phật là quốc vương Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà, quốc vương Ba-tư-nặc nước Kiều-tát-la. Địa điểm cư trú và thuyết pháp là tinh xá Trúc Lâm (Veṇuvana-vihāra) ở thành Vương Xá, tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) ở thành Xá-vệ. Tinh xá Đại Lâm (Mahā-vana) ở thành Tỳ-xá-ly là nơi cư trú chính của đức Phật. Ngoài ra, thành Vương Xá gần núi Linh Thứu, tức núi Kỳ-xà-quật (Gṛdhrakūṭa) là nơi đức Phật nhiều lần thuyết pháp, trong kinh văn luôn nhắc đến địa danh này. Mỗi năm vào mùa mưa, đức Phật khuyên tất cả các đệ tử tập trung tại một nơi để thực hành an cư, chuyên tâm tu tập thiền định. An cư vào mùa mưa này, đa phần Tăng chúng tập trung tại ba tinh xá lớn như đã nói trên. Sau này, Thiền tông Trung Quốc tổ chức an cư mùa mưa hoặc an cư mùa tuyết cũng vâng giữ pháp này. Trong Sát-na mà Đức Phật cầm đóa hoa giơ lên, ngài Ca-diếp mỉm miệng cười là biểu thị tông phong lấy tâm truyền tâm, tức ở núi Linh Thứu.

Trong suốt 45 năm thuyết pháp, Ngài hành hóa khắp các nơi. Trước khi nhập diệt một năm, Ngài từ phía Bắc xứ Ma-kiệt-đà vượt sông Hằng đến Tỳ-xá-ly, rồi đến thành Ba-bà (Pāvā) giáo hóa, nhận thức ăn cúng dường của người thợ kim hoàng là Thuần-đà, Ngài nổi cơn đau bụng, ra khỏi thành Cưu-thi-na-già-la, đến dưới hai cây Sa-la (śāla) chuyển bánh xe pháp Tứ đế cho một vị Bà-la-môn lớn tuổi là Tu-bạt-đà-la (Subhadra). Đây là lần thuyết pháp cuối cùng trong suốt cuộc đời đức Phật còn tại thế. Năm 80 tuổi, nửa đêm ngày 15 tháng 2, đức Phật vào Niết-bàn. Lúc bấy giờ, đệ tử phó pháp là Ma-ha Ca-diếp đang hành hóa ở phương xa, chúng đệ tử đợi ngài Ca-diếp trở về mới bắt đầu dùng kim quan phụng nạp Thánh thể của đức Phật làm lễ đồ-tỳ[2].

Nói về danh hiệu đức Phật, có người gọi là Phật Thập-ca Mâu-ni, hoặc gọi tắt là Thập Tôn, Mâu-ni, Đại Mâu-ni, Thập-ca-văn, chúng ta có thể biết đại khái như vậy. Cù-đàm (Gautama) có nghĩa là tất cả đều thành tựu, là đức hiệu của Bồ-tát. Kinh Hoa nghiêm gọi đức Phật bằng một ngàn đức hiệu. Tóm lại, đức Phật trong lịch sử là đức Thập Tôn được lý tưởng HÓA. Phật thân luận, hoặc Phật-đà luận, hoặc Tam thân thuyết, hoặc Tứ thân thuyết, hoặc Ngũ thân thuyết ở đời sau đều dựa vào đức Phật lịch sử này mà phát triển. Tam thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.

Pháp thân, là lấy thực thể chân như của vũ trụ làm thân căn bản của đức Phật, là thân mang tính lý thể chứ không phải thân mang tính nhân cách. Báo thân là người có nhân cách lí tưởng về đức tướng đầy đủ, trí tuệ viên mãn. Đây là thân do kết quả tu hành của nhiều kiếp mà có được. Báo thân Phật cũng không phải là hình tướng đức Phật mà chúng sinh ở thế giới Ta-bà này nhìn thấy được. Đức Phật mà mọi nguời trông thấy chỉ là đức Phật hóa thân mà thôi. Đây là đức Phật ứng hiện tương ứng giữa Phật và phàm phu, tức là đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ở Ấn Độ, cũng chính là sự tồn tại của đức Phật với một nhân cách vĩ đại. Nhưng chúng sinh đời sau hiểu thế nào về nhân cách vĩ đại của đức Phật? Làm sao để chứng được nhân cách vĩ đại của đức Thích Tôn?

Vấn đề này cần phải trải qua những giai đoạn tu hành trong Phật giáo: 1. Thiện hạnh viên mãn, đầy đủ tất cả đức tướng; 2. Thấu triệt chân lý của vũ trụ, đầy đủ trí Nhất thiết trí; 3. Tinh thần tịch tĩnh bất động, đầy đủ tất cả Thiền định. Nếu cả ba tiêu chuẩn này hòa hợp và thống nhất đầy đủ tất cả đức tướng trí tuệ và tất cả Thiền định thì con người có khả năng đạt được nhân cách vĩ đại như đức Phật. Đặc biệt, xem Thiền định trong tiêu chuẩn thứ ba là sự thể hiện của tinh thần, viễn ly những trói buộc của nhục thể, xả trừ những quyến rũ, mê hoặc của thế giới bên ngoài, trở về với trạng thái an tĩnh trong thiền định vĩnh hằng không gián đoạn thì mới có khả năng đạt được sức thần thông, biết được nguồn gốc của bản tâm, đạt đến cảnh giới đại Giải thoát. Nên biết rằng, nhân cách vĩ đại của đức Phật là biểu tượng lớn nhất từ sự điều hòa giữa các yếu tố căn bản của Thiền định (Ý) cùng với Trí tuệ (Trí) và Giới luật (Tình).

Sau này, Thiền được nói đến trong Thiền tông là chỉ cho Thiền định. Chúng ta nên biết, nói đến Thiền cần phải tư duy bao quát cả Tam học Giới, Định và Tuệ, phải nắm vững được nhân cách cụ thể của đức Phật nên Thiền tông còn gọi là Phật tâm tông. Còn nói về tổng phủ của Phật pháp thì phải nhắm vào Thiền tông mà luận. Thiền tông lấy Tăng bảo trong Phật, Pháp, Tăng làm Bản tôn. Ở đây, chúng ta phải biết được nguồn gốc của Thiền, gần như bắt nguồn từ Ấn Độ, một vị lão Tỳ-kheo [Ma-ha Ca-diếp] học theo nhân cách vĩ đại của Phật, thậm chí còn truyền trao tâm ấn của đức Phật cho các vị đệ tử sau này, nên xem nhân cách của Tăng bảo là lý thể Bản tôn trực tiếp, tiêu biểu cho tinh thần riêng của Thiền tông.

[1]. Tam Ca-diếp 三迦葉: Kāśyapa, ba vị Ca-diếp, vì thân của các vị tỏa ra ánh sáng, nên có tên là Ca-diếp. Ở thời đức Phật Tỳ-bà-thi, 3 vị cùng nhau xây dựng chùa viện, nhờ nhân duyên ấy nên chiêu cảm thiện quả làm anh em. Đó là Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvilvā-kāśyapa), Na-đề Ca-diếp (Nadī-kāśyapa) và Già-da Ca-diếp (Gayā-kāśyapa). Ba anh em Ca-diếp vốn là ngoại đạo thờ lửa, mỗi vị theo thứ tự có 500, 300, 200 đồ chúng. Sau khi đức Phật thành đạo ít lâu, cả 3 vị được Ngài giáo hóa.
[2]. Đồ-tỳ 荼毗: S. Jhāpita, dịch ý là Thiêu nhiên 燒燃, Thiêu thân 燒身, phần thiêu 焚燒, hoả táng 火葬.Phương pháp hoả táng được thực hành tại Ấn Độ từ trước thời đức Phật, về sau, cũng được Phật giáo thu dụng.

Ban Phiên Dịch Pháp Tạng PGVN

Comments are closed.