THIỀN Ở THỜI ĐẠI NGUYÊN THỦY

6IV. THIỀN Ở THỜI ĐẠI NGUYÊN THỦY
1. Ý nghĩa của Thiền-na, Thiền ngoại đạo và Thiền Phật giáo
Thiền-na, tiếng Phạn gọi là Dhyāna, có nghĩa là Chế ngự tâm tại một chỗ. Phép quán sát tư duy là phương pháp tu hành Thiền định. Quán sát tư duy manh nha từ rất sớm, tức vào thời đại Lê-câu Phệ-đà, nhưng Thiền-na tĩnh lự là thuật ngữ được sử dụng vào thời kỳ đầu trong Triết học Ưu-ba-ni-sa-thổ.
 
Sau đó lại bao gồm cả những phát minh của Tam-muội-địa, và cũng trong giai đoạn này lại tìm thấy những thuật ngữ như Chỉ quán (śamatha), Đà-la-na (dhāraṇa), Du-già (yoga)…
 
Đặc biệt, vào thời kỳ cuối của Triết học Ưu-ba-ni-sa-thổ lại phát sinh thêm những thuật ngữ như Tam-ma-địa hoặc Tam-muội được lưu hành trong thuật ngữ của thơ tự sự Đại Bà-la-đa (Mahabarata). Sau này, vì để gọi một cách tổng quát về Thiền định của Phật giáo thời kỳ đầu nên Hán dịch là Đẳng trì, tức là trạng thái giữ tâm bình đẳng, tịch tĩnh bất động. Học giả ngôn ngữ đời sau là Ba-đằng-xà-lê (Patañjali) dựa vào kinh Du-già (Yoga-sūtra) mà thành lập phái Du-già. Gần như ông đã tổng quát tất cả các tên gọi chung về Thiền định từ xưa đến nay.
 
Thiền sư Chỉ Nguyệt[1] giải thích Thiền như sau: “Thiền-na có nghĩa là Định và Tuệ bình đẳng, không thiên về Chỉ cũng không thiên về Quán, tịch tĩnh thẩm lự, do trụ tâm bình đẳng nên gọi là Tĩnh lự. Ý nghĩa của thuật ngữ này như các nhà kinh luận đã giải thích”.
 
Về sau, trong thuyết của Ma-ha chỉ quán và chương Thiền môn trong Thiên Thai tông, hoặc theo sự giải thích của các kinh luận đều giống với cách lược giải của ngài Chỉ Nguyệt.
 
Theo kinh Du-già nói, cấp độ quán Chỉ trong pháp tu hành Thiền định Tam-muội thuần là cảnh giới tối cao mà nơi đó đã đoạn tuyệt hoàn toàn khái niệm chủ quan và khách quan. Theo sự giải thích của Phật giáo cổ đại thì Thiền-na có khác: Tam-muội là giữ tâm bình đẳng tại một tâm một cảnh nhất định, tức là gia tăng tác dụng để chú ý toàn bộ đến thế giới ý thức. Đó là lý do vì sao Phật giáo tôn trọng Tam-muội, xem Tam-muội là căn bản của Trí tuệ để tu dưỡng nhân cách. Không nên thiên về Định hay Tuệ, thiên về Chỉ hay Quán mà phải coi chúng ngang nhau.
 
Nhưng pháp môn Tứ đế hoặc giáo lý Mười hai nhân duyên, nếu không có định lực của Tam-muội thì không có khả năng hiển thị được thực nghĩa của chúng. Từ phương diện hình thức mà nói thì Thiền-na là điển hình của phép Quán. Nó tồn tại ở Ấn Độ vào thời cổ đại nhưng nội dung và đối tượng của phép Quán thì Phật giáo đưa ra những ý chỉ khác với phái Du-già và phái Số luận, tức nội dung Thiền của Phật giáo thời đại Nguyên thủy khác với tôn chỉ của Thiền ở các thời đại sau này. Song, ở đây chúng tôi chỉ lược thuật khái yếu về Thiền-na trong lịch sử giáo lý Thiền tông mà thôi.
 
Bây giờ nói đến hình thức của Thiền, chúng tôi chỉ đơn cử về những bất đồng giữa Thiền ngoại đạo và Thiền của đức Phật.
 
Lúc đầu, đức Thế Tôn theo các học giả của phái Số luận để tu học nên vô hình trung, Ngài đã thừa nhận hệ thống giáo lý này. Đây là sự thật hiển nhiên không cần phải mất thời giờ tranh luận nhiều. Chẳng hạn, tư tưởng Vô ngã hoặc Phi tưởng phi phi tưởng xứ ở cõi Vô sắc được Phật giáo nói đến đều thuộc giáo nghĩa của phái Số luận.
 
Trong kinh đã nói rõ, đức Thế Tôn thuyết Tứ thiền, Tứ định.v.v. đều thuộc giáo pháp ngoại đạo. Đức Thế Tôn theo Tiên nhân A-la-la-ca-lan đã nói đến Vô sở hữu xứ định trong bốn Định của cõi Vô sắc, theo Uất-đà-la-la-ma-tử đã thuyết Phi phi tưởng xứ, nhưng Vô ngã luận trong kinh Phật lại khác xa với các phái như Số luận.v.v.
 
Thuyết Vô ngã của Số luận nói, Thần ngã không tồn tại ở Tự tính mà tồn tại ở Thiền định, nhập vào niệm Vô ngã thì Thần ngã thoát ly khỏi sự trói buộc của Tự tính. Nhưng căn bản, Thần ngã vẫn hoàn toàn chưa đoạn diệt vật dục, khi nghiệp lực của Thiền định chấm dứt thì Thần ngã sẽ hòa hợp cùng với Tự ngã.
 
Rõ ràng, ở giai đoạn này chưa chứng được Vô ngã chân chính. Đức Thế Tôn đã xa rời mọi ồn náo, sống với tĩnh ngã đoan thân trong chốn thanh tịnh. Phương pháp kết-già trong lúc tọa thiền là đúng đắn, còn có vô số cách thiền tọa khác cùng những kết ấn khác nhau nhưng mục đích cuối cùng để đạt đến là cả Ngã và Pháp đều diệt, chứng đắc rốt ráo Chân vô ngã và Pháp vô ngã.
 
2. Phật giáo Nguyên thủy và Thiền
Nếu loại trừ Thiền ra khỏi Phật giáo thì không còn gì để bàn đến nữa! Vì sao? Giáo pháp một đời đức Phật không chỗ nào không thể hiện rõ nội dung của Thiền.
 
Giới luật là sản phẩm phụ của Thiền, hoặc là một pháp môn để chuẩn bị bước vào con đường tu tập. Do đó, có thể dùng một khái niệm “Thiền-na” để khái quát toàn bộ Phật giáo Nguyên thủy. Bây giờ, nếu loại trừ Phật giáo Nguyên thủy để thuyết minh một cách chân xác về nội dung của Thiền thì việc đó hết sức khó khăn. Vì vậy, các học giả ngày nay cho rằng phải căn cứ vào Kinh A-hàm mới thấy được nội dung khái yếu của tư duy và kinh điển Phật giáo Nguyên thủy.
 
Kinh A-hàm, bản dịch Hán gồm bốn bộ, bản dịch Pali gồm năm bộ A-hàm. Số mục của mỗi bộ kinh bao hàm rất rộng, mênh mông như biển cả mù sương và nội dung của chúng phần lớn đều thuộc kinh điển Tiểu thừa. Những chỗ nói riêng về thiền quán rất nhiều, đặc biệt là bộ kinh Tạp A-hàm bàn nhiều đến Thiền định, như các kinh Bát đẳng, kinh Phạm động, kinh Phân biệt Thánh đế, kinh Tu-bà, kinh Tịch chí quả, kinh Căn bản phân biệt ý hạnh… Giáo lý Kinh A-hàm lấy pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên làm cương lĩnh chính yếu, mà Tứ đế, Thập nhị nhân duyên lại là pháp môn làm đối tượng cơ bản cho Thiền định.
 
Thuyết Tứ đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo của Phật giáo chính là nhân sinh quan và thế giới quan của đạo Phật. Khổ đế là trạng thái vốn có xưa nay của nhân sinh, mà sinh già bệnh chết là cái khổ đầu tiên, bốn đại và năm uẩn là cái gốc của khổ. Sau đó lại suy ra nguyên nhân của khổ là Tập đế. Tập đế là các phiền não của mê lầm và ác nghiệp, nhiễm tâm bởi vô minh, để dẫn tới một trú xứ mới làm nguyên nhân cho sự tái sinh, tức là tình dục của nhân thế, làm tác nhân đưa đến quả khổ được chiêu cảm trong đời vị lai. Tập là nguyên nhân được chiêu tập để đưa đến kết quả, nhận thức sai lầm đó là chân lý, tức Tập đế. Hiện tại sống trong thế giới của khổ đau, do không có trí tuệ nên không hiểu được sự mê vọng của mình mà tạo ra vô số ác nghiệp nên bị chiêu cảm bởi quả khổ tương ứng trong đời vị lai. Đây là quy luật tuần hoàn không gián đoạn của ba thứ Hoặc, Nghiệp và Khổ, tức Luân hồi. Nói một cách tường tận thì hệ thống này là Mười hai nhân duyên. Hai đế Khổ và Tập nêu trên là nhân quả thế gian. Để Giải thoát khỏi Hoặc, Nghiệp và Khổ của thế gian này thì cần nói đến nhân quả xuất thế gian, tức là hai đế Diệt và Đạo sẽ được bàn sau.
 
Thế giới hiện tượng mà Phật giáo bàn đến là sự kết tụ của khổ, mà tất cả chúng đều nằm trong trạng thái của vô thường, khổ và vô ngã, do vậy, cần phải hướng thượng tìm cầu cảnh giới lý tưởng tinh thần cao hơn như thường, lạc, ngã, tịnh. Để thoát khỏi nguyên nhân của khổ thì phải trừ khử ác nghiệp. Ác nghiệp do mê lầm của trí nhận biết kém cỏi sinh ra nên cần tức khắc diệt trừ mê lầm bởi vô minh và đoạn trừ ác nghiệp. Nếu không có ác nghiệp thì quả khổ không sinh. Không có những lo âu và phiền não thì sẽ ngộ được nguyên lý này, tức là Diệt đế. Do đó, diệt trừ mê vọng phiền não, thoát khỏi quả khổ sinh tử thì sẽ đạt đến Niết-bàn đại ngộ. Phương pháp để phá trừ phiền não huyễn hoặc, tức là Đạo đế. Ở đây, chúng tôi phân làm tám chủng loại, tức là Bát chính đạo.
 
Đồ thị trên là sự đối chiếu giữa Bát chính đạo, Tam học, Lục độ và Tam tạng Thánh điển. Bát chính đạo là tiêu chuẩn đạo đức của Phật giáo Nguyên thủy. Sau này phái Du-già dựa vào kinh Du-già để y chuẩn Bát chính đạo của Phật giáo, gọi là Du-già Bát đức. Trong Bát chính đạo, Chính định là nền tảng vững chắc cho bảy phạm trù trước. Nếu theo biểu đồ trên thì Tam học Giới, định, tuệ có thể bao hàm nội dung thuyết pháp suốt cuộc đời đức Phật và Tam tạng Kinh, luật, luận là tên gọi bao quát cho nội dung của giáo lý một đời đức Phật. Do đó, Định không những là phương pháp duy nhất để đạt đến Niết-bàn mà còn là căn bản của Bát chính đạo.
 
Tứ đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo và Mười hai nhân duyên đều thuộc đối tượng của pháp quán Đế định. Đây hoàn toàn không phải là lý luận của riêng một học phái nào. Nếu không dựa vào Tứ đế thì (khổ) quả, (tập) nhân của thế gian và (diệt) quả, (đạo) nhân của xuất thế gian không thể thành lập. Câu-xá luận, quyển 22 nói:
 
“Nay nói về Hiện quán của Du-già Sư địa luận thì không phân biệt thứ tự trước sau mà phải dựa vào định luật Nhân quả theo thứ tự của phép quán. Lại như Mười hai nhân duyên lấy pháp quán làm chủ. Đức Phật đã quán theo hai hướng thuận, nghịch mà ngộ được đạo.
 
Phương pháp Tiền dự tu của Bát chính đạo là sáu mục như Tứ niệm xứ, Tứ chính cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi. Ở đây gọi chung Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là Bát chính đạo và sáu mục nói trên. Ở thời đại Phật giáo Nguyên thủy, mục được thực hành nhiều nhất là Tứ niệm xứ và Thập niệm pháp.
 
Nói về Tứ niệm xứ, Thứ nhất Quán thân, như thân niệm xứ. Thứ hai Quán giác, như giác niệm xứ. Thứ ba Quán tâm, như tâm niệm xứ. Thứ tư Quán pháp, như pháp niệm xứ.
 
Thứ nhất, Quán thân tức là Quán thân bất tịnh, tổng nhiếp tất cả các pháp quán bất tịnh cả trong lẫn ngoài trong khi đi, đứng, nằm, ngồi và quán sổ tức (đếm hơi thở).
 
Thứ hai, Thọ quán là quán niệm tất cả những cảm nhận của thân tâm về cảm giác, tri giác, ái dục khởi lên đều là khổ.
 
Thứ ba, Tâm quán tức là quán tâm này khởi lên tham, sân, si…, tất cả tác dụng niệm khởi, niệm diệt đều là vô thường, xét đến cùng vẫn là vô thể.
 
Thứ tư, Pháp quán tức là quán tưởng tất cả hiện tượng trong vũ trụ đều do nhân duyên giả hợp mà thành lập, hoàn toàn không có ngã tướng và pháp tướng chân thật.
 
Thập niệm pháp là: 1, Niệm Phật. 2, Niệm Pháp. 3, Niệm Tăng. 4, Niệm giới. 5, Niệm Thiên. 6, Niệm thí. 7, Niệm chỉ. 8, Niệm an-ban. 9, Niệm thân. 10, Niệm tử”.
 
Như trên đã nói, Niệm thiên (thứ 5) mà không phải là Niệm thần, tức là lấy sự xa lìa các ác nghiệp tự nhiên làm mục đích. Niệm chỉ (thứ 7) là tâm thường nhàn cư, nhập định Tam-muội. Niệm an-ban (thứ 8) là quán sổ tức (đếm hơi thở) và nhiều phép quán khác. Nên xem đây là phép quán dự tu để đi vào Bát chính đạo. Trong thập niệm pháp, có người quán niệm toàn bộ mười niệm, cũng có người chọn một hay hai niệm trong đó để quán. Tất cả là vì mục đích cắt đứt ít nhiều tính tình hỷ ái của người tu hành mà chọn lựa từng pháp tu thích hợp. Khi lật kinh Tăng nhất A-hàm ra đọc, quý vị sẽ thấy giải thuyết về mười niệm pháp này rất rõ.
[1]. Thiền sư Chỉ Nguyệt 指月禪師: Vị Tăng đời nhà Thanh, còn gọi là Thiền sư Chiếu Ảnh 照影, người Ngô Giang (thuộc Giang Tô ngày nay), ở Giang Phong am.
Ban Phiên Dịch Pháp Tạng PGVN

 

Comments are closed.