HỆ THỐNG THẦN KINH THỰC VẬT

1HỆ THỐNG THẦN KINH THỰC VẬT
Hệ thần kinh thực vật là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương. Nó có tác dụng điều khiển hoạt động của các cơ quan trong cơ thể một cách chủ động, không phụ thuộc vào sự chỉ huy của não bộ.Thần kinh thực vật tham gia điều chỉnh các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, bài tiết, chuyển hoá v.v… Chức năng của hệ thần kinh thực vật là điều hoà các quá trình chuyển hoá vật chất, điều hoà hoạt động của cơ quan nội tạng. Trong điều hoà chức năng của các cơ quan thường có sự tham gia của cả hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm.

RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT LÀ GÌ?

Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của 2 hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản hoạt động gần như trái ngược nhau:

Tác động của hệ thần kinh giao cảm rất đa dạng trên hệ tim mạch (làm co mạch, tăng huyết áp, mạch đập nhanh, kích thích tiết mồ hôi); trên hệ hô hấp (làm nhịp thở nhanh, nông). Vì vậy khi những ai bị cường chức năng giao cảm sẽ gây hồi hộp, trống ngực mạnh, tăng huyết áp, vã mồ hôi, giảm co bóp và tiết dịch đối với một số cơ quan tiêu hóa như dạ dày, túi mật, ruột, dịch vị dạ dày…; co thắt cơ trơn phế quản… bốc nóng ở mặt, vã mồ hôi ở lòng bàn chân, bàn tay; nặng hơn có thể tức ngực, khó thở… tim hồi hộp thở gấp, luôn luôn ra mồ hôi. Mồ hôi ra đầm đìa, sợ gió, môi tím tái, sắc mặt trắng bệch, chân tay lạnh ngắt.

Tác dụng của hệ đối giao cảm thì ngược lại, khi cường chức năng đối giao cảm sẽ làm chậm nhịp tim, tăng co thắt và tăng tiết dịch vị.

Ví dụ: Giao cảm làm giãn đồng tử thì đối giao cảm làm co, giao cảm làm giãn mạch vành (beta 2) và co (alpha) thì đối giao cảm làm giãn, giao cảm làm tăng nhịp tim thì đối giao cảm làm giảm nhịp tim, giao cảm làm giảm nhu động và trương lực lòng ruột thì đối giao cảm làm tăng nhu động và trương lực.

Tác dụng của hệ thần kinh thực vật đối với nội tạng.
Ở một cơ thể khỏe mạnh, hoạt động của hệ thần kinh thực vật điều hòa và cân bằng giữa hai hệ thống giao cảm và hệ thống đối giao cảm. Khi một trong hai hệ thống bị rối loạn sẽ đưa đến hội chứng rối loạn thần kinh thực vật.

Mặc dù có các trung tâm điều hoà hoạt động của thần kinh thực vật, nhưng trong trường hợp mất cân bằng thì không điều hoà được hệ thống này và đưa đến các triệu chứng của rối loạn. Thường gặp triệu chứng ở hệ tim mạch và bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim. Thường bệnh nhân có nhịp tim nhanh, thậm chí co thắt cả mạch vành làm cho bệnh nhân đau ngực, nhịp tim nhanh làm cho bệnh nhân cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, đôi khi cảm giác hẫng người. Đặc biệt, các cơn rối loạn này không có quy luật gì cả và cơn có thể kết thúc đột ngột làm cho người ngoài tưởng rằng bệnh nhân giả bộ.

Đối với rối loạn thần kinh thực vật mà đối giao cảm chiếm ưu thế thì người bệnh bị co thắt phế quản làm khó thở. Nhiều người cảm thấy triệu chứng xảy ra bất thường quá giống như giả bộ nên có thái độ trầm cảm và nghĩ rằng mình bị rối loạn tâm thần nên đến chuyên khoa tâm thần. Bệnh nhân có thể kèm theo rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô, hư móng, giảm hứng thú tình dục, mất ngủ.

Bệnh nhân khi bị hội chứng này thường xuất hiện những triệu chứng cơ năng rất mơ hồ như: thường xuyên chóng mặt, mệt mỏi, tim hồi hộp, lo sợ có thể có khó ngủ nữa. Việc chẩn đoán hội chứng này vừa dễ mà cũng vừa khó vì bệnh nhân không hề có một tổn thương thực thể nào. Các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường, có thể lầm lẫn với các triệu chứng của tình trạng trầm cảm, và có khi do chính thầy thuốc áp đặt một khi không tìm ra một chẩn đoán nào hợp lý cho bệnh nhân.

Việc điều trị cũng rất khó khăn và kéo dài. Tuy bệnh không gây tử vong nhưng nó làm giảm đi rất nhiều chất lượng cuộc sống, chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh và kéo dài làm thay đổi tâm lý. Do tính chất không nguy hiểm nên người bệnh thường không được quan tâm đúng mức, bị từ chối điều trị và càng làm cho bệnh nhân lo lắng.

Để điều trị, bệnh nhân được dùng các thuốc điều trị triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân. Hiện đối với thể bệnh bị trầm cảm người ta dùng thuốc chống trầm cảm, đối với rối loạn nhịp tim nhanh thì dùng thuốc kiểm soát nhịp tim và nói chung là điều trị triệu chứng. Bệnh nhân sau một thời gian bị bệnh thường rơi vào tình trạng trầm uất, lo lắng không tin vào cuộc sống và không tin vào y học.

Điều trị.

Thay đổi lối sống không có lợi cho sức khỏe như không nên thức quá khuya, không được sử dụng các chất kích thích như uống rượu, bia, hút thuốc, uống trà đậm, cà phê…

Người bệnh phải được nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định từ 1 đến 3 tháng ở những nơi yên tĩnh. Nếu có điều kiện, nên về nghỉ ngơi ở đồng quê.

Tuyệt đối tránh những tình huống, những việc có thể gây xúc động quá mức hoặc căng thẳng tinh thần (tránh đọc truyện tình cảm lâm li bi đát, xem phim hành động)

Không đưa chất kích thích (rượu, thuốc lá, trà đặc, cà phê…) vào cơ thể. Tránh ăn uống thái quá, nên ăn nhiều rau quả tươi.
Luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Những môn thể thao hữu ích cho bệnh nhân bị rối loạn thần kinh tim là đi bộ, bơi lội, thái cực quyền…

Về dùng thuốc điều trị: Thuốc được dùng một cách rất hạn chế và phải có sự chỉ định rõ ràng của thầy thuốc.

2HIỆN TƯỢNG VÀ TRIỆU CHỨNG BỆNH RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT.
Triệu chứng chức năng
– Mệt mỏi: là dấu hiệu thường gặp nhất. Mệt mỏi là trạng thái cơ thể mà mọi người đều có như: vận động thể lực quá độ, lao động thể lực quá nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi bình thường thì dễ phục hồi, chỉ cần có thời gian nghỉ ngơi điều chỉnh, bổ sung dinh dưỡng, ngủ một giấc sẽ lấy lại sức lực như cũ.

Mệt mỏi do rối loạn thần kinh thực vật thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức.

Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ tạp loạn, khó đi vào giấc ngủ. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều v.v… khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng khi kiểm tra kết quả nhiều lần chỉ phát hiện một vài vấn đề rất nhỏ, không tương xứng với mức độ mệt mỏi mà họ cảm nhận được.

– Mất ngủ:
Có một số người ngủ ít, nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện giấc ngủ thường không sâu, có nhiều chiêm bao mộng mị, có người nằm mãi không ngủ được, trằn trọc nóng lòng chờ giấc ngủ vì thế lại càng không ngủ được, có người chỉ ngủ được đến nửa đêm rồi tỉnh dậy dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không sao ngủ được, có người thức trắng suốt đêm, ánh sáng tiếng động đều làm cho khó ngủ, giấc ngủ chập chờn không sâu, dễ thức giấc. Có khi ngủ mơ và có thể có ác mộng, có thể ban ngày mỏi mệt buồn ngủ nhưng vẫn khó ngủ. Dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể

– Đau đầu, nặng đầu, choáng váng:
Người bệnh thường than phiền đau đầu âm ỉ, đau toàn bộ hay khu trú ở vùng trán, vùng đỉnh đầu hoặc vùng thái dương. Nhức đầu không có vị trí nhất định, nhức đầu thường tăng lên khi xúc động hay mệt mỏi và giảm khi thoải mái, ngủ tốt. Có lúc đau như có cảm giác căng tức, bó chặt như đội mũ chặt, căng thẳng các cơ đầu, cổ. Đau khu trú hoặc lan truyền và thời gian mức độ khác nhau tuỳ từng bệnh nhân.

– Trạng thái suy nhược kích thích:
Chân tay có cảm giác nặng nề, bủn rủn, run tay hay yếu. nháy mắt, giật cơ mặt, đau nhói vùng trước tim. Bệnh nhân dễ bị kích thích, một kích thích nhỏ cũng làm bệnh nhân khó chịu, kể cả kích thích từ trong cơ thể, làm bệnh nhân mỏi mệt. Bất cứ 1 kích thích nhỏ nào cũng làm cho bệnh nhân khó chịu như tiếng ồn ngoài phố, tiếng nói chuyện to, tiếng cười, tiếng động của 1 vật rơi… tất cả đều làm cho người bệnh bực tức. Lúc đầu người bệnh phản ứng, bực tức trong gia đình, trong công việc về sau trong mọi trường hợp. Do dễ bị kích thích người bệnh tỏ ra thiếu nhẫn nại, ai làm điều gì không vừa ý hoặc chậm trễ thì gắt gỏng bực tức ngay, đợi tàu xe lâu người bệnh cảm thấy sốt ruột, đi đi lại lại không chịu ngồi yên 1 chỗ. Thời kỳ đầu nghỉ ngơi còn đỡ mệt, về sau nghỉ ngơi cũng không có tác dụng.

Triệu chứng thần kinh:

– Tính tình thay đổi: dễ hồi hộp, dễ xúc động và dễ cáu gắt.
– Giảm tập trung, trí nhớ giảm: hay quên, không tập trung tư tưởng làm việc được lâu, trí nhớ hay phân tán lung tung.

– Lo âu:
Luôn lo lắng vô cớ, về bệnh tật, về những chuyện không đâu vào đâu và liên hệ đến điều gì đó không may xảy ra. Bệnh càng tiến triển nặng thêm càng lo âu. Vòng luẩn quẩn này cứ càng ngày càng phức tạp và bệnh nhân càng bi quan… Chứng luôn nghi ngờ có bệnh có thể phát sinh chính từ cảm giác mệt mỏi khó giải thích được của họ. Có thể do những cảm giác khó chịu nào đó trong cơ thể, hoặc từ những kiến thức đọc được trong sách báo y học mà lo sợ mình mắc bệnh, như khi đau đầu cho là bị khối u não, hồi hộp cho là bị bệnh tim, đầy hơi khó chịu trong dạ dày cho là bị viêm loét hoặc ung thư dạ dày.

Mặc dù đã được khám toàn diện cẩn thận xét nghiệm nhiều lần, thậm chí chụp CT, điện não đồ, kiểm tra cộng hưởng từ… đều cho thấy các tổ chức cơ quan hoàn toàn tốt, nhưng vẫn không thể loại bỏ được hoài nghi trong đầu người bệnh, họ cho rằng bệnh của mình rất đặc biệt, hoặc kiểm tra có thể bị nhầm, cho nên vẫn tiếp tục tìm bác sĩ nổi tiếng để kiểm tra bằng những phương pháp cao cấp hơn, hy vọng có thể biết được mình bị bệnh gì.

– Tim mạch:
Rối loạn huyết áp tim mạch, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh hoặc chậm, hoặc khi nhanh khi chậm có thể đau tim, đau tức ngực, cảm giác khó thở hụt hơi, Khó thở, nhịp thở nhanh, nông hoặc chậm. …

– Tiêu hoá:
Rối loạn tiêu hoá, có thể ăn không ngon, chán ăn, khó tiêu, ợ hơi, táo bón hoặc phân nát, nói chung là tuỳ thể bệnh, tuỳ bệnh nhân

– Sinh dục tiết niệu:
Có thể đàn ông liệt dương, xuất tinh sớm. Đàn bà rối loạn kinh nguyệt, bế kinh. Rối loạn tiểu tiện …
– Thân nhiệt tăng hoặc giảm nhẹ, hoặc không đều ở các vùng khác nhau trên cơ thể. Như tôi đã gặp một số bệnh nhân kêu: mặt thì bốc nóng, chân thì lạnh, tay chân mùa đông thì lạnh buốt, mùa hè thì nóng hoặc cảm giác sốt nhẹ về chiều, chân tay lạnh hoặc nóng, Có những cơn nóng bừng người hoặc nóng dọc theo xương sống, hay lạnh toát …
– Rối loạn tiết mồ hôi ở tay chân, hoặc khắp người, có bệnh nhân lại chỉ ở vùng đầu mặt hoặc vùng ngực…

– Rối loạn về cảm xúc:
Cảm xúc không ổn định, dễ xúc động, dễ mũi lòng, không cầm được nước mắt khi xem phim, hồi hợp lo âu, lo lắng về bệnh tình, càng lo âu bệnh càng tiến triển xấu, bệnh càng tiến triển xấu lại càng lo âu, khí sắc hơi trầm, giảm nhiệt tình trong công việc, có khi mất hứng thú cả những thú vui trước đây.

Khả năng tập trung chú ý kém, trí nhớ giảm sút nên khả năng học tập và công tác đều bị hạn chế. Người bệnh thường than phiền trí nhớ giảm sút thường hay quên đồ dùng hàng ngày, quên tên những người vừa mới gặp, quên công việc mới giao nhân hôm trước, nhưng quá trình phát triển bệnh của mình ra sao đã khám và điều trị ở đâu thì người bệnh lại nhớ rất tỉ mỉ. Hành vi tác phong của người bệnh cũng thay đổi, đi lại hối hả, đứng ngồi không yên, động tác không dứt khoát, ngón tay run rẩy. Các triệu chứng kể trên không nhất thiết xuất hiện đầy đủ và có mức độ giống nhau ở tất cả mọi bệnh nhân, có thể 1 nhóm triệu chứng nào đó biểu hiện rõ nét hơn.

– Các triệu chứng khác:
Đau mỏi lưng, đau cột sống, mỏi cổ, đau thắt lưng, buốt xương sống, rối loạn cảm giác, giác quan và nội tạng : chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, cảm giác đau nhức cơ, cảm giác khó chịu ngoài da như kiến bò, kim châm, nóng lạnh, tê, buồn, cứng tay, run tay (ở học sinh mặc dù đã chuẩn bị bài tốt nhưng vẫn thấy run trước khi thi), thay đổi màu da, cảm giác vướng ở cố khạc không ra, nuốt không vào, Cảm giác mất tự tin khi phát biểu hay đứng trước đám đông … Nhiều lắm thưa bạn!

Người bị rối loạn thần kinh thực vật thường không được chữa trị sớm do đó để lại hậu quả tâm lý thêm nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh. Chẳng hạn người bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thường đi đến khoa thần kinh; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội v v…

Các khoa ở bệnh viện đa khoa, dường như đều có thể tìm thấy bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật, mặc dù các bác sĩ luôn cho biết kiểm tra chưa phát hiện có bệnh ở cơ quan nào. Nhưng bệnh nhân thường tự chuyển khoa hoặc chuyển viện tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc tìm bác sĩ nổi tiếng, thuốc linh nghiệm để làm giảm đau khổ cho mình. Họ không hiểu, cũng không có nhận thức vấn đề tâm lý và trạng thái tình cảm có ảnh hưởng then chốt đối với cảm giác cơ thể và chức năng ngủ.

Vậy bạn nên xây dựng được quan hệ tốt giữa các thành viên trong gia đình, cơ quan, tập thể, tránh các chấn thương tâm thần mạn tính; khắc phục các tình trạng căng thẳng, cảm xúc mệt mỏi; tổ chức lao động và sinh hoạt hợp lý giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa lao động với nghỉ ngơi giải trí; tạo điều kiện giảm bớt tiếng ồn, tiếng động trong sản xuất cũng như ở môi trường sinh sống, đảm bảo giấc ngủ tốt, rèn luyện thân thể, rèn luyện nhân cách vững mạnh, phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thực thể.
Sưu Tầm

Comments are closed.